Bạn đang ở đây
Tiếp tục đầu tư khép kín các tuyến đường vành đai Hà Nội và TP.HCM
Tiếp tục đầu tư khép kín các tuyến đường vành đai Hà Nội và TP.HCM
Thiết kế tuyến đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Bộ GTVT
Đây là một trong những nội dung Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết về kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị thời gian tới.
Việc này nhằm thực hiện mục tiêu “Kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại” trong Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Cụ thể, về kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp tục đầu tư khép kín các đường vành đai (vành đai 4, vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội; vành đai 3, vành đai 4 - TP.Hồ Chí Minh), đường xuyên tâm chính (TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài), hệ thống giao thông công cộng, bến, bãi đỗ xe, giao thông ngầm tại các đô thị;
Kết nối thuận lợi mạng lưới giao thông đô thị trên toàn quốc, hệ thống giao thông đô thị khắc phục tình trạng ngập úng, nâng cao năng lực thông hành, chống ùn tắc giao thông; hình thành các trục giao thông với cảnh quan kiến trúc đô thị đặc thù theo vùng, miền.
Hướng tuyến đường Vành đai 4 theo quy hoạch. Ảnh: UBND TP.Hà Nội
Phấn đấu đạt tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị năm 2025 đạt khoảng 11 - 16%, năm 2030 đạt khoảng 16 - 26%; từng bước hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận của thành phố trực thuộc Trung ương sau năm 2030.
Tập trung đầu tư phát triển đường sắt đô thị, khuyến khích phát triển theo mô hình TOD; triển khai đầu tư hai đoạn tuyến ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.Hồ Chí Minh) để phát triển đô thị dọc tuyến; đầu tư các tuyến đường sắt kết nối cảng cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối TP.Hồ Chí Minh với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia để hỗ trợ các đô thị trong khu vực phát triển.
Bộ GTVT cũng thông tin sẽ tiếp tục phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách trên các hành lang vận tải thủy, từng bước hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dùng; kênh hóa các đoạn sông qua đô thị lớn, nâng cấp tĩnh không cầu (cầu Đuống,...) và chuyển đổi công năng cảng thủy nội địa xếp dỡ hàng hóa phù hợp với quá trình đô thị hóa.
Tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng thủ đô Hà Nội (Cảng hàng không (CHK) Nội Bài) và vùng TP.Hồ Chí Minh (CHK Tân Sơn Nhất và Long Thành) để đáp ứng nhu cầu vận tải đô thị tại hai đầu Bắc - Nam; từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 CHK hiện hữu, đầu tư các cảng hàng không mới để bảo đảm trên 95% dân số có thể tiếp cận tới CHK trong phạm vi 100km.
Phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) và phát triển bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng), các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, hỗ trợ phát triển đô thị trong khu vực; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp.