Bạn đang ở đây

Tăng giá thuê đất: Bộ muốn, Sở can

Tăng giá thuê đất: Bộ muốn, Sở can

Hai điểm thay đổi này vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ sở tài chính các địa phương tại hội thảo lấy ý kiến về nghị định thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và nghị định về thu tiền sử dụng đất ngày 3/3.

Gây khó cho doanh nghiệp

Theo quy định tại Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ quy định đơn giá cho thuê đất một năm được xác định bằng tỷ lệ 0,5% và tùy theo mục đích sử dụng đất, chính sách ưu đãi mà có thể điều chỉnh trong khung từ 0,25% - 2% giá đất theo mục đích sử dụng đất thuê tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, điều 114 Luật Đất đai năm 2013, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần, khi giá đất thị trường biến động lớn thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.

Nhằm từng bước đưa chi phí về đất dần tiệm cận với thị trường, nâng tiền thuê đất lên một cách hợp lý, tương ứng với mặt bằng chi phí của các loại nguyên, nhiên vật liệu khác, thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế, hạn chế tình trạng “đầu cơ đất”, sử dụng đất đai lãng phí, không hiệu quả, Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2010 sửa đổi Nghị định 142.

Theo đó, nâng tỷ lệ chung là 1,5% và tùy theo mục đích sử dụng đất, chính sách ưu đãi đầu tư UBND cấp tỉnh ban hành mức tỷ lệ cụ thể trong khung từ 0,75% - 3%.

Tuy nhiên, do tại thời điểm áp dụng Nghị định 121, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn cộng thêm các doanh nghiệp trong nước được các địa phương ưu đãi trong chính sách kêu gọi đầu tư nên tính tỷ lệ trong khung giá đất ở mức thấp về tiền thuê đất trong thời gian dài khi chuyển sang tỷ lệ mới dẫu là hợp lý song gặp nhiều khó khăn, Chính phủ phải cho miễn, giảm bình quân là 1%.

Trong giai đoạn hiện nay, tình hình chưa có chuyển biến lớn, để tạo thế ổn định cho doanh nghiệp, các tổ chức trước kia chưa phải nộp nay phải nộp tiền thuê đất, trên cơ sở ý kiến của nhiều địa phương, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định tỷ lệ % xác định đơn giá thuê đất chung là 1%.

Đối với đất thuộc đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ đầu mối giao thông, khu dân cư tập trung có khả năng sinh lợi đặc biệt, có lợi thế trong việc sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ, căn cứ vào thực tế địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định mức tỷ lệ % nhưng tối đa không quá 3%.

Góp ý cho đề xuất tăng tỷ lệ này, Sở Tài chính Bắc Ninh và Sở Tài chính Hà Nội cùng quan điểm không đồng tình. Theo phân tích của đại diện các đơn vị này, với đề xuất này, tiền thuê đất sẽ tăng hai lần.

Trong khi đó, mức 0,5% rất phù hợp với việc nộp tiền thuê đất một lần hoặc nộp tiền thuê đất hàng năm. Khi tăng lên 1% dẫn đến việc giữa nộp tiền thuê đất hàng năm và nộp tiền thuê đất một lần sẽ có mức chênh khá lớn. Do đó, các sở tài chính đề xuất nên quay trở lại mức 0,5%.

Mặt khác, trong hai năm gần đây, Chính phủ đã có các chính sách giãn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp. Do vậy, việc giữ tỷ lệ tính đơn giá tiền thuê đất ở mức thấp sẽ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp.

Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp phát triển tốt thì tỷ trọng tiền thuê đất trong số tiền doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước là tương đối cao. Nhưng trong điều kiện khó khăn, nếu tỷ lệ này ở mức cao sẽ là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp.

Nên khuyến khích công trình ngầm

Về xác định đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng công trình ngầm.

Đồng thời, theo quy định hiện hành tại Nghị định 121/2010, đơn giá thuê đất để xây dựng công trình ngầm được xác định không quá 30% đơn giá thuê đất trên bề mặt có cùng mục đích sử dụng.

Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa, việc đầu tư xây dựng các công trình ngầm có mục đích kinh doanh sẽ phát triển trong thời gian tới, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Do đó, tương tự với chính sách thu tiền thuê đất có mặt nước, hiện Bộ Tài chính đề xuất hai phương án.

Phương án một là tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành, tức là, không quá 30% đơn giá thuê đất trên bề mặt có cùng mục đích sử dụng.

Phương án hai, đơn giá thuê đất để xây dựng công trình ngầm không quá 50% đơn giá thuê đất trên bề mặt có cùng mục đích sử dụng và thời hạn sử dụng đất. Bộ Tài chính dự kiến lựa chọn phương án 2.

Về vấn đề này, đại diện Sở Tài chính Hà Nội và Sở Tài chính Bắc Ninh đều không đồng tình với phương án 2. Theo đó, việc xây dựng các công trình ngầm ở các đô thị lớn là rất hữu hiệu. Chi phí xây dựng các công trình ngầm là rất lớn. Nên, cùng với chủ trương khuyến khích phát triển xây dựng các công trình này, các ý kiến cho rằng nên hạ thấp hơn quy định hiện hành, hoặc nếu không hạ đựơc, thì nên giữ nguyên.

Lượt xem: 2,078