Bạn đang ở đây
Quy định thời hạn chung cư là can thiệp quyền sở hữu của người dân
Quy định thời hạn chung cư là can thiệp quyền sở hữu của người dân
Cân nhắc kỹ lưỡng quy định sở hữu chung cư có thời hạn. Ảnh: BĐS
Cần đánh giá lại thị trường
Tại hội thảo mới đây, đại diện Công ty Lotte - đơn vị đang là chủ đầu tư nhiều dự án siêu đô thị cao tầng cũng cho rằng, tâm lý người Việt Nam luôn muốn an cư lạc nghiệp, cần nhà ở ổn định lâu dài. Vì vậy, không nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư vì động chạm đến quyền sở hữu tài sản của người dân.
Theo đại diện Lotte, các đề xuất quy định sở hữu chung cư có thời hạn chưa hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Vì Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa cao, dân số đô thị tăng nhanh, mật độ dân cư dày đặc và đang khuyến khích phát triển đô thị cao tầng. Nếu chung cư sở hữu lâu dài sẽ trở thành kênh tích trữ tài sản tốt cho người dân, đồng thời thúc đẩy họ sinh sống trong các căn hộ nhiều hơn.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng cho biết, thời điểm này chưa nên vội vàng quy định sở hữu chung cư có thời hạn vì đi ngược lòng dân.
Chủ tịch HoREA đánh giá, xét theo tâm lý của đại đa số người Việt đều mong muốn sở hữu nhà ở lâu dài và thói quen sử dụng nhà chung cư chỉ mới từng bước được định hình trong một thập niên trở lại đây. Do đó, đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn có thể khiến thị trường căn hộ bị “thất sủng”, thậm chí suy giảm.
Trong Luật Nhà ở 2014 đã quy định rất cụ thể, giao đất có thời hạn thì xây nhà chung cư sở hữu có thời hạn nhưng giao đất không thời hạn (vĩnh viễn) thì xây nhà chung cư sở hữu lâu dài. Nếu đất sở hữu lâu dài mà nhà chung cư sở hữu có thời hạn là không hợp lý.
Tránh can thiệp đến quyền sở hữu của người dân
Nhận định riêng về vấn đề này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư là can thiệp đến quyền sở hữu của người dân và có những vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Vì theo quy định của pháp luật, quyền sở hữu với tài sản được Nhà nước bảo vệ và đảm bảo trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Nhà nước chỉ hạn chế quyền sở hữu của người dân trong một số trường hợp đặc biệt để bảo vệ lợi ích công cộng.
Việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, mặc dù mục tiêu hướng đến bảo đảm sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của người dân, cách thức quy định theo hướng hạn chế quyền sở hữu như tại Dự thảo trong khi Nhà nước có công cụ khác để đảm bảo mục tiêu này là chưa phù hợp.
Theo VCCI, quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng (không muốn mua nhà chung cư với quyền sở hữu bị hạn chế bởi thời hạn), dẫn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì khó bán sản phẩm. Do vậy, chính sách này nếu được ban hành, sẽ thúc đẩy người dân tìm mua nhà đất, ít sử dụng chung cư, việc sử dụng quỹ đất nhà ở (vốn rất hạn chế) sẽ theo xu hướng không tiết kiệm và hiệu quả.
VCCI nhìn nhận dù không có quy định về thời hạn sở hữu chung cư, Nhà nước vẫn có cách khác để sửa chữa, cải tạo chung cư cũ. Nhà nước có thể quy định về thời hạn sử dụng của chung cư, yêu cầu thực hiện phá dỡ, cải tạo chung cư cũ khi công trình xây dựng hết hạn sử dụng, xuống cấp, đe dọa tính mạng của người sử dụng.
Vì đây là hoạt động đảm bảo lợi ích công cộng và Nhà nước có quyền để thực hiện nó. Vấn đề là cần phải thiết kế có hiệu quả hơn các quy định liên quan đến cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Theo quy định trong dự thảo, trường hợp nhà chung cư hết thời hạn sở hữu nhưng vẫn còn đủ điều kiện tiếp tục được sử dụng, chủ sở hữu đề nghị cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận gia hạn thời hạn sở hữu trong Giấy chứng nhận theo thời hạn nêu trong kết luận kiểm định.
Việc yêu cầu chủ sở hữu phải thực hiện gia hạn thời hạn trong Giấy chứng nhận sẽ phát sinh rất lớn thủ tục hành chính, tạo sự phiền phức cho người dân.