Bạn đang ở đây

Phó thủ tướng: Doanh nghiệp Việt không thể mãi là xưởng gia công

Phó thủ tướng: Doanh nghiệp Việt không thể mãi là xưởng gia công

Phát biểu tại Hội thảo Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tổ chức hôm nay tại TP HCM, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn từ 2011 đến 2015 bước đầu có những tín hiệu phát triển tích cực khi tỷ lệ nội địa hóa sản xuất đối với ngành dệt may đạt 40%, ngành chế tạo phụ tùng kim loại cho xe máy đạt xấp xỉ 90%... Tuy nhiên, thực tế ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn phát triển chưa đồng đều, có sự phân hóa mạnh khi không ít lĩnh vực nhiều năm liền chưa đạt mục tiêu. Chẳng hạn, mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa đối với sản xuất ôtô dưới 9 chỗ ngồi đề ra vào năm 2010 là 60% nhưng đến nay, bình quân chỉ khoảng 10%. 

Theo ông Dũng, nguyên nhân mấu chốt dẫn đến tình trạng trên vì phần lớn doanh nghiệp trong nước chủ yếu vẫn tập trung vào gia công, chưa đủ năng lực đầu tư cho phát triển và nghiên cứu sản phẩm. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp đầu tàu của từng nhóm ngành hầu hết là các tập đoàn nước ngoài nên sự gắn bó và trách nhiệm trong sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất chưa cao.

pho-thu-tuong-doanh-nghiep-viet-khong-the-mai-la-xuong-gia-cong

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khuyến khích doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh nộ địa hoá.

 “Doanh nghiệp cần chủ động đẩy mạnh công tác quản lý sản xuất, nghiên cứu sản phẩm chất lượng nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho thương hiệu Việt Nam và thoát khỏi tình trạng 'xưởng gia công' như hiện nay”, ông Dũng nói, nhưng cũng bày tỏ thông cảm với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành vì đặc thù phát triển đòi hỏi nhiều thời gian và không ít rào cản. 

Trong khi đó, đại diện Toyota Việt Nam cho biết do sản lượng ít nên chi phí sản xuất linh kiện tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan và Indonesia. Điều này khiến hầu hết các hãng sản xuất ôtô trong nước buộc phải nhập khẩu linh kiện và chấp nhận chịu thêm nhiều khoản phí về đóng gói, vận chuyển và thuế nhập khẩu dẫn đến tổng chi phí sản xuất tăng hơn 20%. 

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, cho biết ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất trong nguyên liệu da giày như da thuộc, vải kỹ thuật, keo dán, hóa chất… đã hình thành lâu nhưng chỉ cung cấp được khoảng 40% nhu cầu sản xuất. Trong đó, chưa tính đến việc chất lượng của nhiều loại nguyên phụ liệu trong nước hiện chưa đáp ứng chỉ tiêu thẩm mĩ, độ bền để xuất khẩu nên buộc doanh nghiệp da giày phải nhập từ bên ngoài với giá thành tương đối cao.

Theo nhận định của ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì nguyên nhân của khó khăn ngoài xuất phát từ doanh nghiệp cũng cần nhắc đến những yếu tố khách quan như chính sách khuyến khích sản xuất nội địa chưa thỏa đáng, vị trí địa lý nằm cạnh Trung Quốc tạo nên thế đối đầu trực tiếp với cường quốc của ngành công nghiệp hỗ trợ…

Trao đổi về những giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết vì công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực nhiều tiềm năng phát triển nhưng còn non yếu nên trong thời gian tới sẽ được quan tâm đặc biệt. 

“Số liệu thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng bình quân của công nghiệp hỗ trợ đạt 17,08% một năm. Tính riêng 2015, số doanh nghiệp tham gia vào ngành này đã vượt hơn 400 với giá trị sản xuất lên tới trên 40.000 tỷ đồng, tuy nhiên hầu hết là các sản phẩm có hàm lượng công nghệ tương đối thấp”, ông Hoài nêu dẫn chứng và dự đoán khi dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn từ 2016 đến 2025 được Chính phủ phê duyệt sẽ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho ngành. 

Theo đó, chương trình này chi gần 2.360 tỷ đồng để hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất thử nghiệm phụ tùng linh kiện; áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp… 

Phương Đông

Lượt xem: 1,581