Bạn đang ở đây
Phát triển phòng giao dịch bưu điện
Phát triển phòng giao dịch bưu điện
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về mô hình phòng giao dịch bưu điện. Theo đó, ngày 12/8/2013, Thủ tướng đã chấp thuận cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) mở các chi nhánh, phòng giao dịch bưu điện cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng sau khi sáp nhập và tiếp nhận hệ thống tiết kiệm bưu điện.
Đến nay, LienVietPostBank được phép mở 24 chi nhánh, nhưng để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hướng dẫn việc triển khai mạng lưới phòng giao dịch bưu điện theo hướng quy định chặt chẽ các điều kiện, tiêu chí về tổ chức hoạt động, nhân sự, công nghệ, quản trị rủi ro… và phù hợp với đặc thù hoạt động của mạng lưới phòng giao dịch bưu điện.
Với dịch vụ chuyển tiền, thu hộ - chi hộ tiền lương hưu, bảo hiểm xã hội của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, hướng dẫn việc cung cấp dịch vụ trên mạng bưu chính công cộng, đáp ứng nhu cầu tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng thông qua hệ thống bưu điện của người dân.
Năm 2011, Thủ tướng đã đồng ý cho Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu Điện sáp nhập với Ngân hàng Liên Việt, đổi tên thành thành Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPosstBank). Sau 2 năm, LienVietPostBank đã ký hợp đồng tư vấn với đối tác Pháp, đặt mục tiêu trong 10 năm nâng cấp hơn 11.000 bưu cục, điểm bưu điện, văn hóa xã thành phòng giao dịch ngân hàng.
6 tháng đầu năm 2014, LienVietPost Bank lãi gần 330 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn điều lệ đạt 6.460 tỷ đồng sau sáp nhập.
Huyền Thư