Bạn đang ở đây

Những cách lập ngân sách riêng cho trẻ

Những cách lập ngân sách riêng cho trẻ

Tạo tài khoản tiết kiệm từ ngân hàng

Xu hướng lập tài khoản riêng cho con tại ngân hàng đang ngày càng thịnh. Các nhà băng cũng phát triển nhiều loại hình tiết kiệm dành riêng cho trẻ em. Ra đời từ năm 2011, sản phẩm Tiết kiệm Phù Đổng của Sacombank là dịch vụ tài chính dành riêng cho trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 15. BIDV có tài khoản tiền gửi "Lớn lên cùng yêu thương", còn DongA Bank là "Tiết kiệm chắp cánh cho con yêu".

150310100516-6498-1428656150.jpg

Lập quỹ riêng cho con được xem là xu hướng của các bậc bố mẹ hiện nay.

Tương tự, Ngân hàng Đại Dương hiện nay cũng có sản phẩm tiết kiệm mang tên Bé là triệu phú hay như chương trình Thiên Thần nhỏ của ACB... Điểm chung của các loại tiết kiệm này là đều đứng tên và thuộc quyền sở hữu của trẻ dưới 15 tuổi.

Số tiền tích lũy hàng năm tùy theo khả năng của bố mẹ, hoàn toàn linh động cho số muốn góp thêm vào tài khoản. Sản phẩm không giới hạn số lần và số tiền nộp vào tài khoản. Song song đó, món tiền tiết kiệm của các bé vẫn được hưởng mức lãi suất có kỳ hạn. Lãi suất được áp dụng theo dạng bậc thang và theo số tiền thực gửi.

Chị Thanh Ngà, nhà quận Bình Tân cho biết, lúc con vào lớp một, chị quyết định đến ngân hàng lập một tài khoản riêng cho bé. Cứ mỗi tháng, những khoản tiền liên quan đến con như phần thưởng do học giỏi, tiền tiêu vặt, tiền có được do giúp việc nhà bố mẹ cho... đều được gom hết lại, cộng thêm khoản tiền tương ứng do chính chị trích ra, sau đó dắt cháu đến ngân hàng đóng vào tài khoản.

Chị Ngà cho biết, với cách làm này, bé rất hào hứng, trở nên siêng giúp đỡ việc nhà để được thưởng tiền, các khoản tiêu vặt cũng được tiết kiệm tối đa... để mong tới tháng có được khoản tiền kha khá cùng mẹ tới ngân hàng gửi vào tài khoản của chính mình.

Sau 5 năm thực hiện, hiện tại tài khoản của bé đã được số dư gần 60 triệu đồng. "Tôi dự định khi con vào đại học hoặc muốn đi làm ăn gì đó thì sẽ lấy số tiền này ra lo cho tương lai của cháu", chị nói.

Mua bảo hiểm cho bé

Nhiều gia đình trẻ hiện nay ngoài việc lập tài khoản cho con còn có xu hướng mua bảo hiểm cho bé ngay khi mới sinh cho đến khi 18 tuổi. Việc tham gia này theo họ là muốn các cháu sau này lớn lên, bố mẹ sẽ yên tâm vì có một khoản tiền để học đại học hoặc tạo lập sự nghiệp cho mình.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại bảo hiểm cho con như: bảo hiểm an sinh, bảo hiểm giáo dục, bảo hiểm sức khỏe, tích luỹ giáo dục… để các gia đình lựa chọn.

Tuy nhiên, trước khi mua, bố mẹ cần tìm hiểu kỹ về quyền lợi, đặc tính cùng phạm vi bảo hiểm. Rủi ro thường xuất hiện trong trường hợp các phụ huynh mua một sản phẩm bảo hiểm mà không nắm rõ quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình, không tìm hiểu đầy đủ về gói sản phẩm đó cũng như công ty cung cấp dẫn tới nhu cầu không được đáp ứng trọn vẹn sau này.

Như trường hợp của chị Mai (quận 6), do khi mua không dựa vào độ tuổi của con và tài chính gia đình để chọn loại bảo hiểm phù hợp nên đã chọn gói bảo hiểm giá quá cao (các sản phẩm chuyên biệt dành cho trẻ thường có khoản phí đóng trên mệnh giá bảo hiểm cao hơn so với bảo hiểm sức khoẻ) và trong thời gian kéo dài. Do vậy, khi triển khai được một thời gian ngắn, do tài chính khó khăn, chị cảm thấy mệt mỏi, chán nản đành bỏ dở giữa chừng, gây tốn kém, lãng phí.

Nuôi heo đất

Anh Nam Thành, quận 3, TP HCM cho biết, lúc mới sinh đứa con gái đầu lòng, vợ chồng anh đã quyết định nuôi một con heo đất làm một quỹ riêng cho bé. Cứ những khoản tiền như mừng tuổi của con hay tiền người thân, bạn bè cho cháu lúc sơ sinh, sinh nhật... được bao nhiêu vợ chồng anh gom hết lại để bỏ vào heo. Sau một năm, anh đập heo đất và lấy đổi thành tiền chẵn sau đó lại mua một con heo đất mới lớn hơn để bỏ vào.

"Thoắt một cái, sau 5 năm giờ trong heo đất to lớn của con gái anh có hơn 50 triệu đồng. Với đà này, khi đến 18 tuổi, con gái tôi sẽ có một khoản tiền lớn để cháu học đại học hoặc đi làm ăn", anh Thành cho biết.

Tích trữ vàng cho con

Từ khi bé bước vào lớp một, tất cả những khoản tiền liên quan đến con như mừng tuổi, tiền người thân, bạn bè cho, tặng, tiền thưởng... hàng tháng chị Hương Nhàn đều gom lại và thêm tiền túi vào để đổ một chỉ vàng cất riêng vào một cái hộp làm tài sản riêng cho bé. Chị dự định, số vàng tích cóp này khi con bắt đầu ra đời lập nghiệp hoặc lập gia đình thì sẽ giao lại toàn bộ.

Dù mới tiến hành làm được 3 năm nhưng vợ chồng chị đã mua hơn 3 cây vàng cho con gái. Chị Nhàn tâm sự, vì là tích cóp lâu dài cho con nên chị quyết định chọn lựa cách thức mua vàng cất trữ, nó sẽ giúp tài sản của bé đỡ mất giá sau này. Ngoài ra, đây xem như là một thứ của hồi môn dành cho con.

Hoài Thu

Lượt xem: 1,520