Bạn đang ở đây

Nhiều “ông lớn” để đất nằm không

Nhiều “ông lớn” để đất nằm không

Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2013 vừa được gửi đến Quốc hội đã cho biết đích danh một số ”ông lớn” đang quản lý và sử dụng diện tích đất đai lớn, nhưng còn để đất không hoặc chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, bị lấn chiếm.

Cụ thể, số đất không hoặc chưa sử dụng của Tập đoàn Dệt may (Vinatex) là 26.955 m2; Công ty mẹ Cienco 6: 1.769,6m2; Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) 1.114.700.000 m2, trong đó ở nước ngoài 581.270.000 m2; Seaprodex: 30.693,6 m2…

Seaprodex là cái tên tái xuất hiện tại danh sách các doanh nghiệp có đất đai bị lấn chiếm, tranh chấp với 24.619 m2. VNPT 25.382 m2, VRG 128.610.000 m2, trong đó đất bị lấn chiếm ở nước ngoài 38.410.000 m2…

Dài dằng dặc là danh sách các tập đoàn, tổng công ty chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý nên việc quản lý đất đai gặp nhiều khó khăn, bất cập. Đó là Seaprodex với 28 khu đất diện tích 2.190.274,1 m2; Vinatex 21.272,7 m2; TKV 2.064.181 m2; Cienco 6: 17.554,78 m2; VRG 306.010.00  m2, và “khủng” nhất là VNPT 1.464.488,89 m2…

Kết quả kiểm toán còn cho thấy hàng chục tập đoàn tổng công ty thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước về đất đai chưa đầy đủ và chưa tuân thủ nghiêm các quy định trong mua, bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản hình thành từ dự án.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước thì hầu hết các tập đoàn, tổng công ty có đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản đều có dự án triển khai chậm hoặc kéo dài nhiều năm làm giảm hiệu quả đầu tư. Một số dự án phải dừng thi công do không có vốn gây lãng phí vốn đầu tư.

Một vài ví dụ điển hình trong rất nhiều cái tên được nhắc đến tại báo cáo là Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn một số dự án được giao đất từ trước năm 2002 nhưng đến thời điểm kiểm toán chưa hoàn thành. Hay Cienco5 cả 7/7 dự án kinh doanh bất động sản được chọn kiểm toán đều chậm tiến độ. Rồi một số dự án của Tổng công ty Cảng hàng không đã được giao đất từ những năm 2005, 2007, 2008, 2009 nhưng đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa triển khai.

Ba dự án nhiên liệu sinh học ethanol do PVN đầu tư gặp khó khăn về tài chính, chưa triển khai vùng nguyên liệu, đến thời điểm kiểm toán chậm tiến độ từ 24-27 tháng, nguy cơ xảy ra rủi ro, thiệt hại về kinh tế, xã hội là rất lớn, báo cáo nêu rõ.

Với đầu tư tay trái, vấn đề từng rất nóng tại nhiều bản báo cáo và chất vấn tại Quốc hội về tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ở kết quả kiểm toán lần này dường như đã có phần hạ nhiệt.

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán vẫn phát hiện một số tập đoàn, tổng công ty đầu tư tài chính không đúng quy định của Bộ Tài chính, đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Thậm chí nhiều công ty con, công ty liên kết kinh doanh thua lỗ, mất vốn.

Cụ thể, đầu tư vượt mức vốn điều lệ gồm Công ty mẹ EVN vượt 21.312 tỷ đồng, Công ty mẹ TKV 1.268,8 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên thuộc VRG 75 tỷ đồng; Công ty Cao su Đăk Lăk vượt 1,23 lần (832,06 tỷ đồng); Công ty mẹ Lilama 3,53 lần.

Công ty mẹ Vinatex đầu tư vào 8 đơn vị thuộc lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, trong khi theo quy định “riêng đối với hoạt động đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, công ty chỉ được đầu tư vào mỗi lĩnh vực một doanh nghiệp”.

Vài nét về bức tranh hiệu quả được phác thảo: lợi nhuận được chia của Công ty mẹ EVN bằng 0,62% giá trị đầu tư dài hạn tại 31/12/2012. Công ty mẹ Cienco5 lỗ đầu tư tài chính 11,4 tỷ đồng;  5/50 công ty do Công ty mẹ EVN đầu tư và 11/31 công ty do Công ty mẹ PVN đầu tư thua lỗ; trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính của Công ty mẹ EVN là 3.702 tỷ đồng, của Công ty mẹ PVN là 6.342 tỷ đồng.

Rồi 7/24 công ty do UDIC đầu tư lỗ lũy kế 339,6 tỷ đồng; 6/57 công ty thuộc TKV lỗ 118,3 tỷ đồng; 3/8 công ty liên doanh/liên kết do Công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà đầu tư lỗ; 5/24 công ty liên doanh, liên kết do Tổng công ty ô tô đầu tư lỗ ...

Đầu tư không đúng quy định dẫn đến âm vốn chủ sở hữu có thể kể đến 3/10 công ty thuộc Cienco5 với 53,7 tỷ đồng. Công ty Thực phẩm Miền Bắc thuộc Tổng công ty Thuốc lá 166,74 tỷ đồng.

Rất nhiều bất cập, song theo Kiểm toán Nhà nước, quá trình tái cơ cấu của các doanh nghiệp đã được phê duyệt đề án còn gặp khó khăn trong rà soát, đối chiếu công nợ, thu hồi nợ tồn đọng, thanh lý tài sản, giải quyết chế độ đối với người lao động, xác định giá trị doanh nghiệp và thoái vốn tại các đơn vị kinh doanh kém hiệu quả...

Lượt xem: 1,916