Bạn đang ở đây
Nhà ở xã hội giá dưới 15 triệu đồng/m2: Khó dựa vào vốn xã hội hóa
Nhà ở xã hội giá dưới 15 triệu đồng/m2: Khó dựa vào vốn xã hội hóa
Người dân mong muốn có nhiều dự án nhà ở xã hội để giá nhà giảm xuống. Ảnh: Cao Nguyên
Để người lao động dễ tiếp cận
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa công bố báo cáo kết quả khảo sát trực tuyến thực hiện với 8.343 người lao động. Báo cáo cho thấy, có tới 57% người lao động tham gia khảo sát muốn mua nhà. Trong đó, tỉ lệ người lao động muốn mua nhà ở xã hội và mua nhà không thuộc diện “nhà ở xã hội” gần như tương đương nhau, tương ứng là 28% so với 29%. Người lao động mong muốn các căn nhà có diện tích nhỏ 45 - 50 m2/căn hộ, giá cả dưới 15 triệu đồng/m2, lãi suất vay ngân hàng không quá 5%/năm, ổn định trong vòng 15 năm.
"Nhà nước đồng hành tháo gỡ các vướng mắc pháp lí cho các chủ đầu tư thì việc xây dựng nhà với chi phí 15 triệu đồng/m2 là khả thi", nhóm nghiên cứu của Ban IV nhận định.
Đồng thời, Ban IV cũng kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về pháp lí và vốn cho các doanh nghiệp bất động sản, tránh tạo tình trạng đóng băng dài hạn, gây ảnh hưởng nền kinh tế nói chung.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành - khẳng định, với chi phí đầu vào cao như hiện tại, đừng nói đến mức giá 15 - 20 triệu đồng/m2, muốn có nhà ở xã hội ở tầm giá 25 triệu đồng/m2, doanh nghiệp cần được hỗ trợ về quỹ đất và cơ chế. Làm nhà ở xã hội chỉ được phép lãi 10% nhưng thời gian làm mất 5 năm, vậy mỗi năm lợi nhuận chỉ có 2%. Nếu không có nhiều tâm huyết thì các doanh nghiệp sẽ không làm vì vướng nhiều thủ tục.
Thực tế cho thấy, phần lớn dự án nhà ở xã hội mở bán lần đầu trong thời gian qua đều có mức giá trên dưới 20 triệu đồng. Người mua nhà phải xếp hàng chờ đợi và dựa vào may mắn để có suất mua. Đơn cử, vừa qua, dự án nhà ở xã hội NHS trên đường Tố Hữu (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chính thức mở bán, giá được công bố là... 19,5 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, cũng có một số dự án nhà ở xã hội dù đã xây xong và rao bán tới 26 lần vẫn ế khách. Điển hình, dự án Tổ hợp Nhà ở xã hội và Dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (huyện Hoài Đức, Hà Nội) được mở bán từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn phải tiếp tục nhận hồ sơ đăng kí mua nhà lần thứ 27 bởi còn khá nhiều căn hộ chưa bán được.
Vẫn có thể triển khai
Ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng, nếu là Nhà nước làm thì hoàn toàn có thể. Như ở Singapore, hơn 80% người dân đang ở trong những tòa nhà niên hạn 99 năm do nhà nước xây dựng (một dạng nhà ở xã hội, còn gọi là HDB).
Ông Ngô Gia Hoàng - Giảng viên khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh - cho hay, nếu xem chính sách nhà ở xã hội mang tính chất cứu trợ cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, thì Nhà nước nên thể hiện vai trò chủ lực.
“Cần có một cơ quan quản lí nhà ở để quản lí tập trung, thống nhất từ khâu lập quy hoạch, bố trí quỹ đất, quá trình thực hiện, đến khâu phân phối nhà ở và quản lí vận hành sau khi dự án hoàn thành" - ông Hoàng phân tích.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề xuất với 2 loại nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư hay từ nguồn vốn xã hội hóa đều không thu tiền sử dụng đất. Vì vậy, giá bán phải do Nhà nước duyệt. Đối với nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư 100% thì bán đúng giá. Còn với doanh nghiệp đầu tư, sẽ quy định giá tối đa để vừa khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội, vừa đảm bảo nhà ở xã hội không rơi vào kênh nhà ở thương mại.