Bạn đang ở đây
Người mua kỳ vọng giá nhà đất sẽ còn giảm sâu
Người mua kỳ vọng giá nhà đất sẽ còn giảm sâu
Người mua nhà đất vẫn thận trọng trước các diễn biến của thị trường. Ảnh: Cao Nguyên
Khách ngại xuống tiền
Anh Vũ Đức Quang, một nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường BĐS chia sẻ, hiện nay, tâm lý chung của người mua nhà đang kỳ vọng giá tiếp tục giảm.
Dự tính họ sẽ xuống tiền vào năm 2023. Nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng trong vòng 3-6 tháng để đảm bảo vốn và gia tăng dòng tiền nhờ lãi suất cao. Họ chưa thực sự tính đến việc “xuống tiền” ngay với BĐS ở giai đoạn này.
Đó chính là điểm khó của thị trường BĐS khi mà giá BĐS đã giảm nhưng người mua vẫn khá chần chừ. Theo anh Quang, có nhiều nguyên nhân cho câu chuyện này, trong đó không ít nhà đầu tư vẫn trong tâm lý “chờ đáy”.
“Có ý kiến cho rằng giá còn giảm, đáy còn sâu, nếu mua sớm dễ hớ. Vì thế, thị trường vốn đã khó lại càng trầm lắng hơn vào giai đoạn cận Tết”, anh Quang nói và cho biết thêm, một số nhà đầu tư không còn tiền để mua. Số khác không vay được ngân hàng. Còn số đông thì chờ BĐS giảm thêm để khỏi mua hớ.
Tuy nhiên, không ít quan điểm cho rằng, giá BĐS thực tế còn cao mặc dù đã giảm, chờ thêm vài quý nữa xem thị trường ra sao, tiền trong dân còn nhiều… điều này cho thấy nhà đầu tư đang cố chờ thêm để mua được BĐS giá tốt hơn hiện tại.
Đầu tháng 11.2022, có trong tay gần 3 tỉ đồng tiền mặt nhưng anh Đoàn Hồng Nhân (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) quyết định dừng kế hoạch mua nhà để gửi tiết kiệm ngân hàng kỳ hạn 6 tháng. Theo anh Nhân, thời gian tới, lãi suất có thể tiếp tục tăng và làn sóng khuyến mãi, chiết khấu giảm giá có thể mạnh hơn.
“Các chương trình ưu đãi, chiết khấu chung cư thời gian qua lên đến 30-40%, nhiều sản phẩm xuất hiện mức chiết khấu lên tới 50% cho trường hợp thanh toán một lần, cộng với các thông tin từ thị trường, khiến tôi lo ngại nếu xuống tiền quá sớm có thể sẽ bị mua hớ”, anh Nhân nói.
Cách nào gỡ khó
Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của tâm lý “phòng thủ” ngày càng lan rộng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp BĐS trong nước đã tung nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu khủng để “nịnh” khách hàng xuống tiền sớm.
Thực tế cho thấy, việc tăng chiến khấu, ưu đãi chỉ là một trong những giải pháp tình thế. Bàn về giải pháp lâu dài, theo chuyên gia BĐS Trần Minh, để nhanh chóng loại bỏ tâm lý “phòng thủ” của khách hàng, khơi thông thanh khoản, các chủ đầu tư cần nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận thị trường, trong đó có cơ cấu lại sản phẩm hướng tới nhu cầu mua nhà ở thực.
Đồng thời, chia sẻ lợi nhuận với người mua nhà nhiều hơn, và đưa giá nhà về sát giá trị thực.
Hiện nay trên thị trường nhiều nhà đầu tư, người mua ở thực vẫn nơm nớp lo sợ giá BĐS có thể bật tăng trở lại thời điểm sau Tết. Nghĩa là, họ vừa sợ xuống tiền, vừa sợ giá BĐS sẽ tăng nếu như không mua lúc này. Chính sự xáo trộn, giằng co trong tâm lý người mua đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: Khi nào, thị trường BĐS mới thực sự hồi phục? Theo một số chuyên gia, rất khó để đưa ra dự đoán về sự phục hồi của thị trường BĐS lúc này, bởi các chỉ số còn khá u ám.
Và chính sự giằng co trong tâm lý người mua, cùng việc chờ đợi giá giảm thêm cho thấy một điều không ít người mua chạy theo tâm lý đám đông là chính. Thấy giảm giá thì luôn kỳ vọng rằng giá còn giảm thêm nên chờ đợi để mua vào. Tuy nhiên, không ít trong số đó bị mất cơ hội vì sự kỳ vọng này.
Với nhà đầu tư, giới chuyên gia nhận định BĐS cuối năm 2022 và năm 2023 tồn tại nhiều ẩn số.