Bạn đang ở đây
Mỹ có thể điều tra nghi án Trung Quốc 'rửa thép' tại Việt Nam
Mỹ có thể điều tra nghi án Trung Quốc 'rửa thép' tại Việt Nam
Hồi tháng 9, 4 hãng thép - U.S. Steel, Nucor, AK Steel Holding và ArcelorMittal đã nộp kiến nghị lên Bộ Thương mại Mỹ. Họ cho rằng các công ty Trung Quốc đã đưa thép sang Việt Nam, thực hiện một số thay đổi cần thiết để chúng được coi là thép Việt. Từ đó, các công ty này có thể xuất sản phẩm sang Mỹ với thuế rẻ hơn. Người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận về vấn đề này.
Mấu chốt của vấn đề là liệu sự thay đổi này, ví dụ như mạ kẽm để chống mòn, có thể biến số thép này thành sản phẩm mới hoàn toàn để gắn mác "Made in Vietnam" hay không. Nhóm luật sư của các công ty Mỹ khẳng định việc bọc một lớp khác bên ngoài sản phẩm "chỉ là sự đầu tư nhỏ, mang lại quá ít giá trị và không thêm vào thành phần mới".
Các công ty Mỹ cho rằng đối thủ Trung Quốc đang lách thuế nhập khẩu thông qua Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Các công ty châu Á nhập khẩu thép vào Mỹ thì cho rằng họ đang bị đối xử không công bằng. Minmetals - một hãng kinh doanh thép có trụ sở tại New Jersey (Mỹ) phản đối cuộc điều tra này. Trong văn bản gửi Bộ Thương mại Mỹ, họ khẳng định thép "đã có sự thay đổi đáng kể".
Năm ngoái, chịu áp lực từ các hãng thép Mỹ, giới chức nước này đã áp thuế nhập khẩu cao hơn, có loại lên tới 266%, với ít nhất 4 danh mục thép của Trung Quốc. Nhờ đó, các hãng thép Mỹ mới có thể nâng giá sản phẩm. Còn giờ họ lại lo ngại thép xuất từ Việt Nam tràn qua các cảng biển Mỹ.
Theo công ty dịch vụ dữ liệu Global Trade Information Services, trong 6 tháng đầu năm, số thép xuất từ Việt Nam sang Mỹ là hơn 312.000 tấn, tăng mạnh so với hơn 25.700 tấn cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong thời gian này, thép Trung Quốc xuất sang Việt Nam tăng 46%, lên 6,3 triệu tấn. Con số này năm ngoái chỉ là 4,3 triệu tấn.
Kinh tế Trung Quốc chậm lại đang khiến nhiều ngành sản xuất nước này lâm vào tình trạng dư cung trầm trọng, đặc biệt là thép. Hiệp hội Thép Thế giới dự báo nhu cầu tại đây sẽ giảm khoảng 5,5% năm nay. Điều này có nghĩa Trung Quốc sẽ dư thừa hàng chục triệu tấn sản phẩm. Và họ sẽ tích cực xuất khẩu, nhấn chìm các thị trường khác bằng mức giá không thể rẻ hơn.
Bắc Kinh đang bị cáo buộc bán phá giá tại nhiều thị trường, buộc các đối thủ đóng cửa nhà máy và khiến hàng nghìn người mất việc. Giới chức châu Âu cho biết khoảng 40.000 việc làm ngành thép tại khu vực này đã bị cắt giảm vài năm qua. Hồi tháng 1, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ áp thuế nhập khẩu lên tới 13% cho thép Trung Quốc.
Hà Thu (theo WSJ/CNN)