Bạn đang ở đây
“Mời” ông chủ tư nhân ra khỏi ngân hàng?
“Mời” ông chủ tư nhân ra khỏi ngân hàng?
Nhưng, Ngân hàng Nhà nước có “mời” được họ ra hay không để hóa giải mối họa này?
Ngân hàng thành con tin
Khi nhận xét về thực trạng nhiều ông chủ ngân hàng cố tình kéo dài sự sống đối với các công ty của mình bằng cách cho vay dự án sau, lấy tiền bù đắp nợ dự án trước, một chuyên gia nói thẳng: “Họ đang biến ngân hàng thành con tin!”.
Theo ông, nợ xấu ngân hàng từ các tập đoàn lớn, kể cả khu vực tư nhân trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi chậm đang báo trước những mối họa khôn lường. Nếu không cẩn trọng, sẽ làm cho hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng khó khăn, cản trở tiến trình cải cách hệ thống tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi. Trong đó, có khá nhiều tập đoàn tư nhân lớn đang biến ngân hàng thành con tin của mình. Họ thường xuyên đẻ ra các dự án mới nhằm lấy tiền vay để bù đắp vào các chi phí tài chính khác.
“Một số công ty kiểm toán quốc tế cho tôi biết là đã tìm hiểu nhiều tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, và thấy dòng tiền của họ rất kẹt, phần lớn đều dựa vào tiền vay ngân hàng”, ông này nói.
Cũng theo ông, những số liệu về việc các ngân hàng cho tập đoàn kinh tế lớn vay, kể cả khu vực tư nhân là bao nhiêu, hiện rất mù mờ, thiếu minh bạch. Vì thế, rất ít người biết được các ông chủ tư nhân chễm chệ ở các ngân hàng sử dụng tiền gửi của xã hội cho các công ty sân sau như thế nào. Thay vào đó, có những những ông chủ ngân hàng đã dành phần lớn số vốn trung dài hạn tập trung cho các dự án lớn của họ. Và cũng ngạc nhiên là nợ xấu ở các dự án này không thấy hiện ra bao giờ, đơn giản là bởi các ông chủ đã tự gia hạn nợ, thậm chí, “tay phải vay nợ mới, tay trái đáo nợ cũ” để hà hơi tiếp sức cho chúng.
Đồng quan điểm này, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM phân tích thêm, tình trạng tài chính của doanh nghiệp hiện nay tạm phân thành ba loại. Một loại là lo làm ăn với ngành nghề chính, dòng tiền tốt, làm ăn bài bản thì sống khỏe. Trước, họ đi vay thì phải cho ngân hàng quà, còn nay, ngân hàng thường xuyên ve vãn họ, muốn họ vay thì phải mang quà tới. Loại thứ hai, đã cầm cự mấy năm, đang quyết tâm phục hồi. Còn loại thứ ba đã chết hẳn do kinh doanh theo kiểu “đứng núi này, trông núi kia”, dính vào bất động sản quá nhiều.
“Vướng lớn nhất ở đây là nợ xấu từ các tập đoàn tư nhân nằm bất động trong hệ thống ngân hàng, chỉ cần đổ một ông là ngân hàng đi luôn. Số này nằm vào loại thứ ba, vốn đã chết hẳn nhưng các ông chủ của chúng không chịu chôn, vẫn cứ cho vay mới đáo cũ”, ông Lịch nói.
Quản lý chưa rắn
Nói về thực trạng các ông chủ trước kia vốn buôn đất, sân golf, kinh doanh thương mại… nhảy vào lĩnh vực ngân hàng, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh (hiện đang công tác tại Bộ Tài chính) nêu một ví dụ, một ông chủ đình đám số một trong làng bất động sản Việt Nam nhảy vào kinh doanh chứng khoán nhưng đã kịp nhận ra, đó không phải là sở trường. Vì thế, ông bán ngay cho một đơn vị khác và nhảy nhanh khỏi thị trường chứng khoán.
“Với tiềm lực tài chính quá mạnh, nếu ông này thắng lớn trong thương vụ đầu tư chứng khoán thì hệ thống ngân hàng hẳn đã có thêm một ông chủ với tầm cỡ top 5 trên thị trường”, ông Ánh nhận xét.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, không phải ai trót sa chân vào lĩnh vực ngoài ngành cũng sớm nhìn thấy vấn đề, nhất là khi thị trường đã sớm gửi những tín hiệu sàng lọc đến với mình. Thực tế, có nhiều người cố theo đuổi, mặc dù ngành nghề chính là đầu tư khu công nghiệp nhưng lại ôm vài ngân hàng, chỉ đến khi thua lỗ, than thở thì đã muộn. Trường hợp ông chủ của tập đoàn Tân Tạo là một ví dụ.
Trở lại với câu chuyện lũng đoạn ngân hàng từ các tập đoàn kinh tế tư nhân, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa tỏ vẻ dứt khoát: “Không cần phải hình sự hóa vấn đề đâm ra lằng nhằng, nên kiên quyết yêu cầu các ông chủ này thoái vốn, cho họ một thời gian để “mời” họ ra khỏi ngành ngân hàng”.
Chuyên gia Trần Du Lịch cũng đồng tình: “Đây là vấn đề liên quan đến những tồn đọng thuộc về lịch sử, nếu làm mạnh thì vỡ cả hệ thống. Thế nên, trước mắt cần phải mời mấy ông chủ này ra ngồi ngoài đã rồi mới tính đến chuyện tái cơ cấu được”.
Nhưng quan điểm của ông Vũ Đình Ánh lại khác. Theo ông, rất khó để nhà nước có thể áp dụng các biện pháp hành chính để loại bỏ các ông chủ tư nhân ở một số ngân hàng vốn được cho là kinh doanh ở lĩnh vực không có chuyên môn. Vấn đề ở đây là thông qua hoạt động thanh tra, giám sát, cơ quan quản lý phải nắm được tỷ lệ sở hữu thực sự của các cổ đông/nhóm cổ đông để tránh tình trạng lạm dụng tiền gửi của dân vào dự án riêng của mình.
Ông Ánh cho rằng, với quy mô hệ thống tổ chức tín dụng khoảng trên 100 đơn vị, trong đó có 37 ngân hàng thương mại cổ phần (không tính các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước chi phối vốn), việc kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước là không quá khó khăn khi soi chiếu vào các quan hệ gia đình, thân thuộc trong số các cổ đông, nhằm đảm bảo việc kiểm soát sự chi phối ngân hàng của họ.
“Hoạt động ngân hàng là kinh doanh tiền và chủ yếu là tiền điện tử, tiền tài khoản, tỷ lệ tiền mặt chỉ trên 10%. Bản chất của đồng tiền là không có mùi, tiền trên máy tính lại càng không có mùi, nên việc thanh tra giám sát thuộc về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Và nếu như không làm tròn bổn phận này thì phải chịu trách nhiệm thôi”, ông Ánh nói.