Bạn đang ở đây
Lo lắng cho câu chuyện nợ xấu bất động sản
Lo lắng cho câu chuyện nợ xấu bất động sản
Bức tranh thị trường bất động sản vẫn là một màu xám. Ảnh: Gia Miêu
Theo báo cáo quý I/2023 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trạng thái trầm lắng vẫn bao phủ toàn thị trường, dấu hiệu phục hồi chưa thực sự rõ nét.
Thanh khoản thị trường quý I/2023 đang sụt giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm 2022 khi tỉ lệ hấp thụ chỉ đạt khoảng 11%. Con số giao dịch này tương đương với hơn 2.700 sản phẩm và giảm hơn 50% so với cùng kì năm ngoái.
Thị trường vẫn lệch pha cung cầu và khan hiếm trầm trọng nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ.
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp bất động sản năm nay đặt mục tiêu kinh doanh thụt lùi như Hà Đô, Becamex IJC, Phát Đạt, Đất Xanh, Nam Long, TTC Land…
Theo các chuyên gia, đây là nhóm doanh nghiệp có tỉ lệ nợ vay lớn những năm gần đây.
Hiện tại, những doanh nghiệp này đang nỗ lực chuyển mình theo hướng thu gọn quy mô thông qua tái cơ cấu nợ và bán bớt tài sản, giảm lượng hàng tồn kho, song điều này cũng khiến mục tiêu kinh doanh giảm sút so với giai đoạn trước.
Theo ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DGCapital đánh giá, bối cảnh khó khăn chung khiến điểm yếu của các doanh nghiệp địa ốc gần như đã phơi bày.
Vì vậy, việc giữ tâm lí thận trọng, thậm chí đặt kế hoạch kinh doanh lỗ trong năm 2023 là có thể hiểu được.
Ngân hàng đang khá mệt mỏi với chuyện nợ của doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: Gia Miêu
Những khó khăn của ngành bất động sản đang đặt ra thách thức cho ngành ngân hàng. Một số thách thức lớn trong lĩnh vực tín dụng có thể thấy là dòng vốn vào thị trường bất động sản giảm mạnh và chưa có dấu hiệu hồi phục khi quý I/2023 chỉ đạt 1,6%.
Áp lực đáo hạn trái phiếu còn rất lớn khi tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2023 được ước tính ở mức 235.000 tỉ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn khoảng 100.000 tỉ đồng.
Được biết thời gian qua, một số ngân hàng cổ phần đã phải chuyển nhóm nợ với con số hàng chục nghìn tỉ đồng cho một số doanh nghiệp bất động sản.
Các ngân hàng cho các doanh nghiệp này thời gian thử thách khoảng vài tháng để trả nợ, nếu không các ngân hàng sẽ chuyển nợ xuống nhóm thấp hơn, tức ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn.
Ngoài chuyển nhóm nợ, các ngân hàng còn canh cánh nỗi lo khác là khoảng 75% giá trị tài sản đảm bảo cho tổng dư nợ 12 triệu tỉ đồng ở hệ thống ngân hàng là bất động sản. Và nếu thị trường đóng băng không có sức cầu sẽ có nhiều hệ luỵ.
Đây là sẽ câu chuyện đau đầu cho ngân hàng khi xử lí tài sản đảm bảo.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, nếu không nhanh có giải pháp thực tế giải cứu thì thị trường bất động sản rất có thể sẽ trở thành "tử huyệt" của hệ thống ngân hàng và là một nguy cơ rất lớn gây nên khủng hoảng kinh tế.