Bạn đang ở đây

Làm sao để “đất vàng” không hóa cao ốc?

Làm sao để “đất vàng” không hóa cao ốc?

Làm sao để “đất vàng” không hóa cao ốc?Nhà máy Bia Hà Nội (HABECO) là một trong những đơn vị phải di dời khỏi khu vực nội đô. Ảnh: NGỌC THÙY

Đô thị "bội thực" chung cư

Thực tế, hơn một thập kỷ từ ngày có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành, Hà Nội vẫn chưa thể "dọn dẹp" hết các nhà máy ngự trị gây ô nhiễm đất vàng.

Bà Lê Thị Thu Hà (SN 1960, sinh sống trên đường Nguyễn Tuân, Hà Nội) cho biết, tuyến phố Nguyễn Tuân trước đây là nơi tập trung khá nhiều nhà máy, xí nghiệp. Sau khi các công trình này được di dời ra khỏi nội đô, thay vì xây công viên, không gian công cộng cho người dân, tại đây lại mọc lên các khu cao ốc, nhà chung cư đồ sộ.

Cụ thể như dự án nhà tại số 82 phố Nguyễn Tuân, trước đây là đất công nghiệp của Công ty TNHH MTV Thống Nhất (tiền thân là Nhà máy Xe đạp Thống Nhất); tòa nhà số 90 phố Nguyễn Tuân, khu đất 3,7ha này trước đây do một xí nghiệp xe buýt thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) quản lý, sử dụng...
Lo ngại sau di dời Công ty In báo Nhân Dân (số 15 Hàng Tre, Hà Nội) cũng sẽ lặp lại "kịch bản" mọc lên hàng loạt chung cư, cao ốc hoành tráng, ông Phạm Văn Hòa (Tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, cần sử dụng đất đúng mục đích, tránh gây quá tải hạ tầng.

Điều đáng nói, hiện vẫn đang tồn tại hàng loạt bất cập, quy định chồng chéo. Như diện tích đất của Nhà máy xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên) đang nằm trong danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn Thành phố Hà Nội (đợt 1), tuy nhiên, quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vẫn định hướng giữ Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và Nhà máy Xe lửa Dĩ An (Dĩ An, Bình Dương) là cơ sở công nghiệp đường sắt.

Mới đây, Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn nhìn nhận, quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi khu vực nội thành phần lớn được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành.

Sử dụng đất vàng hiệu quả sau di dời

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - đề cập, TP Hà Nội cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng liên quan đến việc các doanh nghiệp phải di dời khi đã có quỹ đất hoặc đã nhận được sự hỗ trợ để di chuyển.

"Chúng ta cần bình tĩnh xem xét, thứ nhất là về mật độ dân số, thứ hai là kết nối giao thông, hạ tầng. Nếu ở khu vực đấy xây chung cư thì thu được lợi nhuận kinh tế, nhưng cần đáp ứng được chất tải dân số trên đô thị với kết nối hạ tầng có đảm bảo không?

Nếu không đảm bảo được thì cần trả lại và có thể xây công viên, vườn hoa, thậm chí là nhà trẻ, trường học" - ông Tùng cho biết.

Trao đổi với PV Lao Động, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam - nhận định, dù Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 130/QĐ-TTg nhưng thời gian vừa qua việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô còn chậm trễ do vướng mắc, chồng chéo quy định Luật Đất đai.

KTS Đào Ngọc Nghiêm thông tin, sau khi di dời 9 cơ sở sản xuất, các khu đất này dù được sử dụng, quy hoạch khác nhau nhưng đều tuân thủ mục tiêu chung của TP Hà Nội là giảm mật độ dân số, áp lực hạ tầng đô thị, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị.

Hiện TP Hà Nội đã có hội đồng kiến trúc sư tham gia cố vấn, có ý kiến, khảo sát của cộng đồng dân cư.

Lượt xem: 361