Bạn đang ở đây
'Lãi suất gói 30.000 tỷ nên điều chỉnh theo năm'
'Lãi suất gói 30.000 tỷ nên điều chỉnh theo năm'
Tại Hội thảo phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho nhu cầu thực do Bộ Xây dựng và Hiệp hội bất động sản Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, lãi suất ưu đãi gói hỗ trợ 6% một năm chỉ nên quy định trong năm 2013. Còn lãi suất cho vay phải được điều chỉnh theo năm mới thực sự công bằng cho người đi vay. "Mức 6% trong năm nay là hợp lý, ưu đãi nhưng sang năm, giả sử lạm phát giảm, thậm chí xảy ra giảm phát thì con số này sẽ không còn ưu đãi", ông Ánh phân tích.
TS Vũ Đình Ánh cho rằng, lãi suất gói 30.000 tỷ nên được điều chỉnh hàng năm. Ảnh: Anh Quân |
Vị chuyên gia này cho rằng nên quy định lãi suất cho vay từ gói hỗ trợ bằng một tỷ lệ nào đó theo lãi suất thị trường hoặc lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước vì bản chất cho vay ưu đãi là từ nguồn tái cấp vốn. Tỷ lệ đó có thể là một phần hai, hai phần ba tùy theo khả năng và chủ trương ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước.
Theo số liệu của Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước, đến 30/9, các ngân hàng mới tiếp nhận được 619 hồ sơ cá nhân với số tiền 203 tỷ đồng, trong đó chỉ có 590 khách hàng được giải ngân với tổng số tiền 142,5 tỷ đồng. Còn riêng khách hàng doanh nghiệp, các nhà băng cũng mới giải ngân được 54,8 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 4 tháng triển khai, các ngân hàng giải ngân chưa tới 1% tổng số tiền 30.000 tỷ đồng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà (Bộ Xây dựng) cho rằng, khi mới triển khai, gói hỗ trợ còn gặp khá nhiều vướng mắc. Theo đó, cơ quan này và Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phải ngồi cùng nhau để bàn những biện pháp tháo gỡ. Trong đó gồm việc xác định đối tượng có thu nhập thấp cũng như thực trạng nhà ở, khan hiếm nguồn cung giá rẻ, nhà thu nhập thấp... Bằng những điều chỉnh cụ thể, ông Hà cho rằng hiện việc giải ngân gói 30.000 tỷ đã tăng đáng kể qua từng tháng.
Lãnh đạo Cục Quản lý Nhà cũng cho rằng một trong những vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay là phải khắc phục sự lệch pha trong cung cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa. Theo đó, các sản phần phải phù hợp với nhu cầu thực tế và khả năng thanh toán của đại đa số người dân.
Nhìn nhận từ góc độ người cho vay, ông Ánh cho rằng các ngân hàng đều phải quan tâm đến khả năng trả nợ cả gốc và lãi của khách hàng để không trở thành nợ xấu sau này. Vì thế, tiêu chuẩn cho vay là có mức thu nhập khoảng 9 triệu đồng một người mỗi tháng không phải là không hợp lý. Tuy nhiên theo Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người năm 2012 mới chỉ đạt chưa đầy 3 triệu đồng một tháng.
Do đó, ông Ánh cho rằng, trong phân khúc nhà ở xã hội nên phải tách làm 2 nhóm. Nhóm một là thu nhập quá thấp, không thể mua, kể cả nhà có giá 300-500 triệu đồng một căn nên Nhà nước phải hỗ trợ xây nhà xã hội cho thuê với giá rẻ. Nhóm hai là những nhà xã hội theo tiêu chí hiện nay, phục vụ những người thu nhập thấp, có nhu cầu nhà ở nhưng chưa thể mua nhà vì chưa đủ tiền tích lũy. Nhóm này nếu có cơ chế, họ có thể vay và có thể trả được cả gốc và lãi.
Liên quan đến địa ốc nói chung, ông Ánh cho rằng, chúng ta phải xem thị trường bất động sản đang có vấn đề gì chứ không chỉ nhìn vào đống hàng tồn kho. "Vấn đề bất động sản không phải là tồn kho mà là hàng không bán được vì giá quá cao, tới vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng một m2. Vì thế, điểm cần gỡ là phải giảm giá và thay đổi cơ cấu nguồn hàng", chuyên gia này cho hay.
Nhận định về đề xuất giảm tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng cho dự án xây nhà có diện tích dưới 70m2, và giá 15 triệu đồng thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước trong việc kéo giá nhà xuống, tuy nhiên ông Ánh cho rằng mức giảm sẽ không đáng kể. Về chiến lược phát triển nhà giá rẻ, chuyên gia này cũng đề xuất, cơ quan quản lý phải tính lại giá xây dựng xem chi phí một m2 nhà thu nhập thấp là bao nhiêu.
Ngọc Tuyên