Bạn đang ở đây
Kinh tế Nhật trông chờ vào phụ nữ
Kinh tế Nhật trông chờ vào phụ nữ
Những năm 70 của thế kỷ trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Suzuki là một trong 6 sinh viên nữ tại một lớp kiến trúc có tới 100 sinh viên nam. Taisei – Tập đoàn xây dựng nơi bà khởi nghiệp khi đó cũng chỉ tuyển nhân viên nữ cho các vị trí trợ lý.
25 năm sau, bà Suzuki hiện là quản lý cấp cao của Taisei, tập đoàn xây dựng hàng đầu nước Nhật. Bà cũng là một trong 2 thành viên nữ trong ban lãnh đạo 20 người của doanh nghiệp này. Taisei hiện có 13.600 nhân viên và đang đặt mục tiêu tăng gấp 3 số lượng lãnh đạo nữ vào năm 2020. “Thật tuyệt khi chúng tôi có thể làm gì đó để giúp đỡ phụ nữ”, vị lãnh đạo, đồng thời là kiến trúc sư 55 tuổi nhận xét.
Với dân số già đi và lực lượng lao động ngày càng suy yếu, Nhật Bản đang trông chờ nhiều hơn vào những người như bà Suzuki. Thủ tướng Shinzo Abe thậm chí đã thể hiện điều này ngay trong chính sách kinh tế được thế giới biết đến với cái tên Abenomics, thông qua mục tiêu tăng 30% phụ nữ nắm các vị trí quan trọng tại Nhật Bản vào năm 2020. Trong ngày 12/9, ông Abe cũng đích thân chủ trì một diễn đàn mang tên “Nữ quyền và nguồn gốc của tăng trường” với những nữ khách mời như Tổng giám đốc IMF – Christine Lagarde hay Đại sứ Mỹ tại Nhật - Caroline Kennedy.
Theo số liệu của Chính phủ Nhật, trong số 10 lãnh đạo các doanh nghiệp nước này, hiện chỉ có 1 người là nữ. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 31% ở Singapore, 38% ở Đức và 43% tại Mỹ. Và để làm gương, đích thân Thủ tướng Abe đã bổ nhiệm 5 nữ bộ trưởng vào nội các mới, hồi cuối tuần trước, nhằm nâng tỷ lệ hiện diện của nữ giới từ 10% lên 26%. “Tôi tin rằng sự tích cực của các thành viên nữ trong nội các sẽ giúp thay đổi xã hội”, ông Abe nói.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của người đứng đầu Chính phủ Nhật, câu hỏi về tác động thực sự của những mục tiêu mang tính số học mà ông Abe nêu đối với kinh tế Nhật vẫn được đặt ra.
Với chỉ 6 năm còn lại để thực hiện (đến năm 2020), nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ về khả năng kịp thích ứng của xã hội Nhật Bản khi phụ nữ phải dành nhiều thời gian hơn tại công sở. "Điều đó tác động tới khả năng giữ cân bằng trong cuộc sống, năng suất lao động, đào tạo, đa dạng hóa cung cách làm việc - những vấn đề mà các công ty Nhật đã phải chật vật giải quyết suốt 20 năm qua", Yoko Yajima, cố vấn tại Mitsubishi UFJ Research & Consulting nhận định.
Các công ty Nhật lâu nay vốn nổi tiếng về thời gian lao động kéo dài, đang tiếp tục bị "chê" là tự làm tổn hại năng suất và năng lực cạnh tranh của mình bằng cách tước đi cơ hội có những nữ quản lý giỏi trong tương lai, khi bắt họ phải từ bỏ công việc toàn thời gian sau khi sinh con.
"Động lực của việc tăng số lượng lãnh đạo nữ nên nằm ở việc trao nhiều hơn cho họ những cơ hội, cũng như đa dạng hóa cung cách làm việc, chứ không chỉ dừng lại ở việc bạn có thể tìm thấy bao nhiêu phụ nữ ngồi ở vị trí đó", Akiko Kojima, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Nhật Bản nói.
Chính sách kinh tế hướng tới phụ nữ của Thủ tướng Abe đòi hỏi nhiều thay đổi trong xã hội Nhật. Ảnh: Bloomberg. |
Khi quan điểm hướng tới phụ nữ của ông Abe được công bố, Keidanren - một công ty truyền thông, lobby chính sách quyền lực nhất Nhật Bản từng lên tiếng phản đối. Đây cũng là doanh nghiệp mà toàn bộ 24 thành viên của ban lãnh đạo đều là nam.
Tuy nhiên, đến tháng 7 vừa rồi, chính Keidanren đã phải công bố chính sách tái cân bằng giới tính trong nội bộ. Taisei - công ty xây dựng nơi bà Suzuki làm việc cũng là một trong số 50 doanh nghiệp tại Nhật đưa ra chính sách tương tự. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khả năng tăng gấp 3 số thành viên nữ trong ban lãnh đạo của họ vẫn rất khó thực hiện trong vài năm tới. "Và ngay cả khi nó thành công, mục tiêu 30% phụ nữ nắm vị trí lãnh đạo tại các công ty lớn mà ông Abe đặt ra cũng là rất tham vọng", Tetsuya Shioiri - Trưởng bộ phận nhân sự tại Taisei nhận định.
Việc đưa ra chỉ tiêu về tỷ lệ nam - nữ trong cơ cấu nhân sự vẫn là vấn đề gây tranh cãi tại châu Âu, nơi mà việc nữ giới lãnh đạo là hết sức thông thường. Nghị viện châu Âu thâm chí đang đưa ra đề xuất về việc các công ty niêm yết phải có ít nhất 40% thành viên ban lãnh đạo (không tham gia điều hành) là nữ vào năm 2020. Đề xuất này đang được các nước thành viên xem xét, tất nhiên, với nhiều tranh cãi. Một nghiên cứu mới đây đối với một quy định tương tự mà Na Uy đặt ra từ năm 2003 cho thấy điều này không tác động nhiều đến việc kinh doanh, ngoại trừ việc có nhiều phụ nữ hơn được bổ nhiệm.
"Tôi không thích ý tưởng về một như đại loại như quotas (hạn ngạch) về tỷ lệ nam - nữ. Phụ nữ cần được thừa nhận bởi năng lực thực sự của họ", Tổng giám đốc IMF - bà Lagarde bình luận.
Trong khi đó, nữ lãnh đạo của Tập đoàn xây dựng Taisei lại nhìn nhận vấn đề này như câu chuyện con gà và quả trứng: "Nên có nhiều hơn những con gà mái trường thành để ít nhất, cũng cho những chú gà con thấy được chúng có thể tạo ra nhiều trứng như thế nào", bà Suzuki ví von.
Nhật Minh (theo WSJ)