Bạn đang ở đây

Kinh doanh ẩm thực đổ dồn vào trung tâm thương mại

Kinh doanh ẩm thực đổ dồn vào trung tâm thương mại

Kinh tế khó khăn dẫn đến mua sắm tại trung tâm thương mại khá èo uột. Nhưng trái lại, các khu ẩm thực (Food Court ) ở những nơi này luôn tấp nập khách ra vào.

Tại tầng hầm Trung tâm thương mại Vincom (quận 1, TP HCM), không chỉ thứ 7, Chủ Nhật mới đông khách, ngay cả ngày thường lượng khách đến đây cũng luôn đông đúc. 

Quản lý quán Highlands Coffee ở khu này cho biết, một ngày có khoảng 600-800 khách ghé quán. Riêng ngày cuối tuần lượng khách có thể tăng đến 1.000 người.

“Kinh doanh cà phê, nước uống trong khu ẩm thực có nhiều lợi thế hơn hẳn so với những địa điểm ở ngoài. Bởi lẽ, khách đến đây không chỉ tham quan, mua sắm mà còn giải trí. Vốn đầu tư xây dựng cũng không quá lớn vì tận dụng cơ sở vật chất sẵn có của tòa nhà”, quản lý ở đây cho hay. 

1-9092-1412581407.jpg

Khu Food Court đa dạng đối tượng khách hàng. Ảnh: Hồng Châu.

Ngoài cà phê, một số quán ăn nhanh, nhà hàng theo phong cách Việt, Nhật, Hàn Quốc cũng thu hút 200-300 khách mỗi ngày.

Quản lý cửa hàng bánh Break Talk chia sẻ, so với những cửa hàng được đặt trên các con đường ở TP HCM, thì tiệm bánh trong trung tâm thương mại đắt khách hơn hẳn. Bởi, khách hàng sau khi đến trung tâm thương mại mua sắm họ có thể tiện chân ghé các nhà hàng để ăn uống luôn mà không cần đi đâu xa. Do vậy, mỗi ngày lượng giao dịch bình quân tại cửa hàng dao động 300-350 lượt khách.

"Nếu so với các tầng buôn bán, mua sắm khác, khu Food Court được xem là địa điểm khách thích ghé chân nhất của tòa nhà", quản lý cửa hàng này nói thêm.

Ngoài Vincom thì khu ẩm thực tại tòa nhà Bitexco, Diamond Plaza, Parkson cũng đông khách không kém.

Đặc biệt đối với tòa nhà Parkson, nơi chuyên kinh doanh các mặt hàng cao cấp nên rất kén khách. Thế nhưng, khu ẩm thực tại tòa nhà này lượng khách lại cao gấp 2-3 lần so với khu mua sắm.

“Thứ Bảy và chủ Nhật mọi người đến khu này giải trí rất nhiều. Ngoài ăn uống, nơi đây còn có nhiều trò chơi cho trẻ em. Do vậy, thời gian hoàn vốn của cửa hàng ở trung tâm thương mại thường nhanh hơn so với các mặt bằng khác”, quản lý tại cửa hàng thức ăn nhanh tại đây nhận định.

Giá cả các món ăn cũng như đồ uống tại các khu này cũng chỉ ở phân khúc trung bình khá. Thức uống dao động 30.000-70.000 đồng một ly. Món ăn Việt 35.000-100.000 đồng một món. Một số đồ ăn Nhật cũng không quá đắt. Nhiều nhà hàng Nhật khuyến mãi bằng cách bán theo phần ăn với giá 200.000-400.000 đồng. Cũng chính nhờ cách bán hàng này, lượng khách tới các nhà hàng Nhật ở đây luôn đạt 150-300 khách mỗi ngày.

Trong khi giá cho thuê văn phòng tại các trung tâm thương mại lớn ở TP HCM, trung bình dao động 50-70 USD mỗi m2 một tháng, thì giá thuê kinh doanh tại các khu ẩm thực cũng không xê dịch nhiều. Đối với khu vực ẩm thực ở Vincom (quận 1) khoảng 40-60 USD/m2 một tháng tùy theo vị trí; Diamond Plaza dao động 50 - 60 USD; Bitexco Financial Tower khoảng 40 - 50 USD...

Mặc dù giá thuê mặt bằng khá cao, tuy nhiên, nhiều chủ cửa hàng cho biết họ sẵn sàng bỏ chi phí lớn để kinh doanh ở trung tâm thương mại. Bởi lẽ, xu hướng mua sắm và ăn uống tại một địa điểm đang được giới trẻ cũng như nhân viên văn phòng, gia đình Việt ưa chuộng. Mặt khác, nếu quản lý tốt thì thời gian hoàn vốn và bắt đầu có lãi là sau 7-8 tháng, trong khi các quán ăn ở ngoài thường có thời gian lâu hơn, có thể là sau 1 hoặc 2 năm. 

2-3491-1412581407.jpg

Thứ 7, chủ Nhật rất nhiều gia đình lui tới khu Food Court để ăn uống. Ảnh: Hồng Châu.

Bên cạnh các trung tâm thương mại, hiện nay các hệ thống siêu thị cũng đang tích hợp thêm khu ẩm thực cho riêng mình.

Tại Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng, nơi đây cũng dành một diện tích vừa phải làm khu ẩm thực dành cho khách hàng đi mua sắm. Lượng khách đến khu ẩm thực nhỏ này dao động 300-500 khách mỗi ngày. Hay tại khu mua sắm Aeon Mall (Tân Bình), khu ẩm thực không chỉ xuất hiện ở tầng trệt tòa nhà với đủ các món ăn của Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản mà tại tầng 3,4 cũng kinh doanh Food Court kết hợp vui chơi giải trí. Nếu lượng khách ở một cửa hàng mua sắm chỉ vài chục người mỗi ngày, thì tại quán ăn khu ẩm thực khách có thể gấp 3-4 lần.

Nhờ sự đa dạng về nhóm khách hàng nên việc kinh doanh khu ẩm thực ngày càng trở nên đa dạng và được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh ở đây cho biết, dù khá thuận lợi về nguồn khách đông đảo, nhưng lại tạo ra nhược điểm là quán khó nhận biết được khách quen hay lạ. Mặt khác, sự cạnh tranh trong khu ẩm thực cao hơn vì rất đa dạng nhóm hàng. Nếu không đảm bảo được uy tín, chất lượng và sự độc đáo, khách sẽ hao hụt dần.

Ngoài ra, không phải kinh doanh ở bất cứ trung tâm thương mại nào cũng giống nhau. Một chủ đầu tư fastfood khá thành công tại Hà Nội với 3 cửa hàng cho biết, sau khi thăm dò thị trường, cô quyết định Nam tiến mở một địa điểm trong trung tâm thương mại ở quận 1. Vì rất tự tin với thành công ngoài Bắc, cô đã bê nguyên mô hình vào đây, thậm chí đưa cả nhân viên cũ vào. Nhưng sau 6 tháng hoạt động doanh thu quá bết bát, cô phải quyết định đóng cửa.

"Khách hàng Sài Gòn hoàn toàn khác so với Hà Nội về khẩu vị cũng như cung cách phục vụ mà họ mong muốn. Tôi đã đầu tư vào cửa hàng này 1,5 tỷ đồng, nhưng cuối cùng vẫn phải quyết định cắt lỗ sớm để trở lại thị trường Hà Nội", nhà đầu tư trẻ này cho biết.

Hồng Châu

Lượt xem: 2,022