Bạn đang ở đây
Khơi thông nhiều điểm nghẽn trong chính sách đất đai
Khơi thông nhiều điểm nghẽn trong chính sách đất đai
Nghị quyết 18 được đánh giá tạo động lực và kì vọng mới cho thị trường bất động sản. Bên cạnh bỏ khung giá đất, đánh thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở... Đây là những giải pháp quan trọng khơi thông nhiều điểm nghẽn trong chính sách đất đai.
Bỏ rào cản mang tên “khung giá đất”
Thực tế có một vai trò khác, không kém quan trọng của Nghị quyết 18, thậm chí là mang tính nền tảng để đảm bảo những vai trò nói trên, là khơi thông nhiều điểm nghẽn trong chính sách về đất đai đang tồn tại nhiều năm qua.
Cụ thể theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ ban hành khung giá đất định kì 5 năm/lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất trên thị trường tăng hoặc giảm từ 20% trở lên so với khung giá đất, Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.
Các tỉnh, thành sẽ căn cứ khung giá đất của Chính phủ để xây dựng bảng giá đất định kì 5 năm/lần và mỗi năm sẽ ban hành thêm hệ số giá đất. Bảng giá đất được sử dụng làm căn cứ tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; tính phí và lệ phí trong quản lí, sử dụng đất đai; tính thuế sử dụng đất; tính tiền phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai.
Khung giá đất do Chính phủ quy định có độ “cứng” cao và khó điều chỉnh linh hoạt theo biến động thị trường cũng như đặc thù từng địa phương nên thời gian qua tồn tại không ít những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, việc định giá đất cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp trở ngại lớn nhất.
Trước thực tế này, Nghị quyết 18 ra đời với đề xuất bỏ khung giá đất và có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường được đánh giá là điểm mới có tính đột phá lớn, hướng đến giải quyết những bất cập về giá đất đang tồn tại trong gần thập kỷ qua.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc bỏ khung giá đất trong Nghị quyết 18 là cuộc cách mạng về tư duy quản lí. “Đây là sự thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai. Kèm theo việc sử dụng giá thị trường, sẽ là việc xóa bỏ cơ chế xin cho, tư lợi” - GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Ngô Gia Cường - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thẩm định giá và Giám định Việt Nam (VAI) - cho rằng, đề xuất bỏ khung giá đất của Nghị quyết 18 là một thay đổi rất quan trọng giúp cho các địa phương có thể đưa bảng giá đất sát với giá thị trường. Điều này sẽ giải quyết thực trạng hai giá trên thị trường hiện nay.
Tuy nhiên, ông Cường đề xuất, phải có lộ trình để giảm thiểu các xung đột như tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tăng tiền thuê đất, thay đổi quá lớn trong giá bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến phải có thời gian quá độ.
Đánh thuế luỹ tiến với người có nhiều diện tích đất không sử dụng
Nghị quyết 18 quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.
Theo giới chuyên gia, đây là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, mua gom đất chờ tăng giá, góp phần hạn chế lãng phí nguồn lực đất đai bị bỏ hoang, không sử dụng hiệu quả.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - nhận định, sự ra đời của chính sách này cần thiết để răn đe, chấm dứt tình trạng “người có rất nhiều đất nhưng người lại không có miếng nào”.
“Vấn đề còn lại là thống nhất ý chí trong bộ máy Nhà nước để thực hiện Nghị quyết này, không lặp lại tình trạng 10 năm qua “phớt lờ” chính sách thuế bất động sản đã đặt ra” - GS Võ nhấn mạnh.
Thực tế, ngay sau khi Nghị quyết 18 ra đời, những điểm mới có tính đột phá nêu trên như bỏ khung giá đất, đánh thuế luỹ tiến với người có nhiều đất nhưng không sử dụng đến… đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hiện dự thảo Luật đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét và thông qua.