Bạn đang ở đây
Jack Ma hối tiếc vì IPO Alibaba
Jack Ma hối tiếc vì IPO Alibaba
Đồng sáng lập hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc - Alibaba cho biết mọi việc với công ty đang khó khăn hơn nhiều trước khi thực hiện phiên IPO kỷ lục thế giới tháng 9 năm ngoái. "Mọi chuyện còn tồi tệ hơn. Nếu được làm lại, tôi sẽ không niêm yết công ty của mình nữa", Ma cho biết trong một bài phát biểu hôm qua tại New York.
Những nhận định của Ma đã khiến nhiều người chú ý, đặc biệt khi nó diễn ra tại thời điểm gần 1 năm sau khi Alibaba huy động được kỷ lục 25 tỷ USD trên Sàn chứng khoán New York (NYSE). Cũng như nhiều công ty đại chúng khác, sau IPO, Alibaba bị cả nhà đầu tư, giới chức và truyền thông soi xét kỹ càng hơn. "Không chỉ đất nước theo dõi, mà cả thế giới cũng bám sát chúng tôi. Và anh phải quen với điều đó", nhà sáng lập Alibaba cho biết.
Jack Ma trong buổi IPO tháng 9 năm ngoái. Ảnh: CNN |
Alibaba đang rất chật vật. Cho đến lúc này, nhà đầu tư đều không hài lòng với những gì mình chứng kiến. Alibaba định giá cổ phiếu tại phiên IPO là 68 USD. Điều đó đã khiến thị giá công ty lên tới 168 tỷ USD, hơn gấp 3 eBay thời điểm đó. Nhà đầu tư cũng hào hứng đến nỗi cổ phiếu Alibaba chốt phiên thứ 2 tại 92,7 USD.
Tuy nhiên, rào cản với Alibaba dường như đang quá cao. Cổ phiếu của hãng hôm qua giao dịch dưới 88 USD, có nghĩa nhiều nhà đầu tư mua vào ngày IPO đang chịu lỗ. Hồi tháng 1, cổ phiếu hãng này cũng lao dốc sau báo cáo tài chính không đạt kỳ vọng của phố Wall và giới chức Trung Quốc tiến hành điều tra hãng này vì hàng giả - hàng nhái.
Gần đây, cổ phiếu Alibaba đã bật tăng trở lại, do nhà đầu tư chào đón kết quả kinh doanh vượt dự tính. Đồng thời, COO Daniel Zhang cũng được bổ nhiệm làm CEO mới.
Ma không che giấu sự thật rằng New York không phải là lựa chọn đầu tiên của mình cho việc IPO. Ông cho biết: "Chúng tôi bị Hong Kong từ chối". Alibaba đã hủy kế hoạch IPO tại Hong Kong do sàn này không chấp nhận cấu trúc quản trị của công ty.
Hãng cũng đang nhắm tới các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ, với kế hoạch thu hút họ tham gia sàn thương mại điện tử này, để bán sản phẩm cho giới trung lưu đang lên tại Trung Quốc. "Chúng tôi luôn tôn trọng eBay và Amazon, nhưng tôi cho rằng cơ hội và chiến lược cho chúng tôi là giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ. Chúng tôi cần nhiều sản phẩm Mỹ vào Trung Quốc hơn", ông cho biết.
Hà Thu (theo CNN)