Bạn đang ở đây
Hàng loạt nhà ở tái định cư "đắp chiếu", nhiều năm không người ở
Hàng loạt nhà ở tái định cư "đắp chiếu", nhiều năm không người ở
Bỏ hoang hàng nghìn căn hộ
Tòa chung cư tái định cư nằm tại vị trí đắc địa trên phố Tân Mai. Ảnh: Nguyễn Thúy
Dù có một vị trí đắc địa khi nằm ngay mặt đường lớn Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) đối diện hồ Đền Lừ, song 3 tòa chung cư thuộc Dự án tái định cư Đền Lừ III đến nay vẫn bỏ hoang, không có người chuyển về ở.
Hệ thống cửa kính bị phá vỡ. Ảnh: Nguyễn Thúy
Ghi nhận của PV trong ngày 14.6 cho thấy, các mặt sảnh của tòa nhà được người dân tận dụng để hàng hoá phục vụ kinh doanh. Khu vực vườn hoa, sân chơi bỏ hoang khiến mọc cỏ um tùm. Hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, hư hỏng, cửa kính bị đập vỡ. Bên trong tòa nhà trở thành điểm tập trung hút chích của người nghiện.
Từng khu vực của tòa nhà được tận dụng với những mục đích khác nhau. Ảnh: Nguyễn Thúy
Tương tự, khu tái định cư Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội) được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2010, nhằm mục đích phục vụ tái định cư giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng).
Do không có người ở, các lối ra vào tòa nhà tái định cư này đều đóng kín, cỏ mọc um tùm...Ảnh: Nguyễn Thúy
Tuy nhiên, đến nay theo ghi nhận của PV, có hai toà chung cư cao tầng được xây dựng xong nhưng không có người ở.
Nhiều hạng mục của tòa nhà xuống cấp, khuôn viên tận dụng để trồng rau, nuôi gà. Ảnh: Nguyễn Thúy
Một số khu vực vốn được quy hoạch làm khuôn viên, vườn hoa, tiểu cảnh hiện được trưng dụng để chăn nuôi gà, vịt. Lớp sơn tường bên ngoài tòa nhà đã bạc màu, ngả ố, công trình xuất hiện nhiều dấu hiệu xuống cấp, cỏ mọc um tùm.
Tìm gặp những người dân thuộc diện tái định cư khi giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ, PV nhận được câu trả lời của những người dân xung quanh là: “Họ chuyển đi hết rồi”.
“Rất nhiều người trước kia họ đồng ý nhận tiền đền bù để chuyển đi mua nhà chỗ khác, chứ giờ chẳng ai ở đây nữa đâu”, bà Thu Trà (phường Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng) cho hay.
Nhà tái định cư đã hoàn thành thô nhiều năm nhưng đến nay vẫn trong tình trạng “đắp chiếu“. Ảnh: Nguyễn Thúy
Trên đường Khuyến Lương (Hoàng Mai, Hà Nội) đã nhiều năm nay, người dân xung quanh quen với việc hai tòa nhà tái định cư không có người ở.
Hai tòa nhà đã hoang hóa từ lâu. Ảnh: Nguyễn Thúy
Theo quan sát, trên tường nhà, nhiều nơi đã mốc, nứt. Cửa kính các căn hộ đã xỉn màu vì mưa nắng. Phía bên ngoài, những đường cống thoát nước bị che lấp bởi rác thải, vật liệu xây dựng.
Chỗ thừa, chỗ thiếu do đâu?
Nhiều chuyên gia bất động sản nhìn nhận, chất lượng xây dựng nhà tái định cư kém so với tiêu chuẩn, quy chuẩn, trong khi xây dựng không tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư… là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cư dân không mặn mà với nhiều dự án nhà tái định cư.
Trước đó, tại buổi thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, nhà tái định cư ở Hà Nội hiện nay “thừa thì vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”.
Theo ông Dũng, thừa là theo nhu cầu, vừa qua một loạt dự án người dân không nhận nhà mà nhận tiền. Còn thiếu là theo Luật Đất đai cứ có nhà tái định cư thì mới được triển khai dự án.
Ông Dũng cho rằng cần có hướng mở hơn trong quy định này, hoàn toàn giao cho cấp tỉnh bố trí nhà tái định cư sang nhà ở xã hội và ngược lại một cách linh hoạt.
Cần xem xét lại quy hoạch để xây dựng khu tái định cư. Ảnh: Nguyễn Thúy
Để tháo gỡ các khó khăn hiện nay, phát triển nhà ở tái định cư giai đoạn 2021 - 2030, theo ông Mạc Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, UBND TP Hà Nội sẽ kiểm soát tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư và kế hoạch bồi thường, hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng trọng điểm, quá trình triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo hiệu quả việc sử dụng quỹ nhà tái định cư.
Thành phố yêu cầu kiểm soát, đôn đốc tiến độ bố trí, bàn giao quỹ nhà tái định cư để đảm bảo hiệu quả sử dụng, tránh tình trạng bỏ trống, lãng phí tài sản Nhà nước.