Bạn đang ở đây
Dự án sân bay Long Thành cần giải trình rõ về vốn đầu tư
Dự án sân bay Long Thành cần giải trình rõ về vốn đầu tư
"Nhóm đồng tình về chủ trương xây sân bay Long Thành hiện nay nhiều hơn ý kiến phản đối, chỉ lo mỗi tiền", Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ chiều 8/10 đánh giá tờ trình của Chính phủ về dự án xây cảng hàng không lớn nhất Việt Nam.
Cùng ý kiến trên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cũng đặt câu hỏi vốn đâu ra để xây sân bay Long Thành. Dù tờ trình của Chính phủ đã nói rõ cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn một gồm 85.000 tỷ đồng ngân sách Nhà nước, 80.000 tỷ đồng khác từ ngoài ngân sách, đại biểu Ksor Phước vẫn thấy chưa hợp lý. "Trong tờ trình nói vốn Nhà nước 2014, 2015 có cả trái phiếu. Nhưng thực tế về trái phiếu Quốc hội đã khóa sổ năm 2015 rồi, vậy nguồn vốn trái phiếu ở đây nói là nguồn nào?", ông Ksor Phước đặt câu hỏi. Theo đại biểu Ksor Phước, nếu không giải quyết được những vướng mắc về vốn ngay, tiến độ của dự án có thể bị chậm lại.
Mô hình sân bay Long Thành. |
Trong báo cáo thẩm tra đối với báo cáo của Chính phủ về sân bay Long Thành, Ủy ban Kinh tế cũng nhận xét Chính phủ chưa làm rõ khả năng huy động vốn để phục vụ cho dự án. Báo cáo khẳng định ở các hạng mục có khả năng thu hồi vốn sẽ huy động vốn từ ngoài ngân sách như vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết... Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc huy động các thành phần kinh tế tham gia là không đơn giản. Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về việc huy động vốn. Trong cơ cấu nguồn vốn sử dụng nêu trên thì từng loại vốn cụ thể thế nào, dự kiến vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu, ODA cần huy động mỗi năm bao nhiêu?
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lo ngại về tính chính xác của số liệu dự án. Thực tế cho thấy những dự án của ngành giao thông thời gian qua phát sinh chi phí rất lớn so với tổng mức đầu tư ban đầu. Do đó, Ủy ban Kinh tế lo rằng trong quá trình triển khai dự án sẽ còn phát sinh nhiều chi phí.
Báo cáo đầu tư dự án Cảng đưa ra tổng mức đầu tư giai đoạn một khoảng 164.589 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước (bao gồm ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA) là 84.624 tỷ đồng, vốn khác 79.965 tỷ đồng. Đây mới chỉ là giai đoạn một của dự án. Nếu tính cả ba giai đoạn thì tổng mức đầu tư còn lớn hơn nhiều.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội đặt ra, như cần làm rõ tại sao phải xây mới sân bay Long Thành thay vì mở rộng Tân Sơn Nhất hoặc Biên Hòa. Lý lẽ của những ý kiến này là các cảng hàng không trong khu vực với diện tích nhỏ hơn vẫn có thể đáp ứng nhu cầu và phục vụ lượng khách lớn. Đơn cử, sân bay Chek Lap Kok ở Hong Kong có diện tích nhỏ hơn (1.255 ha) vẫn phục vụ được 50 triệu hành khách mỗi năm, sân bay Changi của Singapore có diện tích 1.300 ha phục vụ được 42 triệu khách mỗi năm.
Bên cạnh đó, liệu sân bay Long Thành có cạnh tranh được với các sân bay lớn khác trong khu vực trong vai trò trung chuyển? Đó là câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đặt ra trong bối cảnh các sân bay khác trong khu vực cũng đang trong kế hoạch mở rộng, với quy mô bằng hoặc lớn hơn. Ví dụ, sân bay Suvarnabhumi (Thái Lan) quy hoạch 100 triệu hành khách mỗi năm; sân bay Changi có quy hoạch 135 triệu hành khách mỗi năm. Trong khi đó, sân bay Long Thành đặt ra mục tiêu công suất 100 triệu hành khách sau năm 2030.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân Quốc hội cho biết tán thành việc Chính phủ trình ra xin ý kiến quốc hội Báo cáo đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau khi nghe các ý kiến của Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chuẩn bị lại kỹ lưỡng hơn những câu hỏi vừa nêu để chuẩn bị cho việc thẩm tra báo cáo chính thức sắp tới.
Thanh Bình