Bạn đang ở đây

Điểm nghẽn của thị trường bất động sản

Điểm nghẽn của thị trường bất động sản

Điểm nghẽn của thị trường bất động sảnBất động sản đóng góp vai trò quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế (ảnh minh họa). Ảnh: Phan Anh

Nhận định về tầm quan trọng của bất động sản với nền kinh tế Việt Nam, ông Phan Lê Thành Long, CEO của AFA Group cho rằng: “Thị trường bất động sản là xương sống cho một quốc gia đang phát triển vì đó là đầu vào sản xuất, nền tảng hạ tầng, phát triển chất lượng cuộc sống của người dân. Giá đất là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng cho bất kì doanh nghiệp nào”.

“Theo số liệu thống kê, thời gian qua, khi thị trường bất động sản rơi vào trạng thái đóng băng do các chính sách lãi suất, hạn chế dòng tiền đầu cơ vào lĩnh vực nóng thì tổng dự án các nhà thầu xây dựng tạm dừng lên tới 34 tỉ USD. Trong ngắn hạn, dự báo cũng chưa có sự thay đổi” - ông Phan Lê Thành Long cho biết.

TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế cho rằng: “70% khó khăn của thị trường bất động sản đến từ những vấn đề pháp lí”.

Theo các chuyên gia, hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản… vẫn còn bất cập cần sửa đổi như: Chưa thống nhất về hình thức lựa chọn (đấu giá, đấu thầu, chỉ định) chủ đầu tư dự án có sử dụng đất.

Thêm vào đó, hiện thị trường bất động sản rất thiếu vốn trung và dài hạn ổn định mà chỉ phụ thuộc chủ yếu vào vốn tín dụng ngân hàng.

Kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Dòng vốn ứng trước của khách hàng và vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15-30% tổng mức đầu tư của dự án).

TS Võ Trí Thành nhận định bất động sản có độ lan tỏa lớn và cần nhìn nhận bất động sản theo nghĩa bất động sản dịch vụ, đa công năng, khai thác công trình và xây dựng. Phải luôn luôn nhìn bất động sản gắn với ổn định vĩ mô và sự phát triển lành mạnh của hệ thống tài chính. Bất động sản luôn cần nguồn vốn lớn nên có sự liên quan chặt chẽ tới hệ thống tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - chuyên gia kinh tế, hoạt động kinh doanh bất động sản hiện chiếm 3,6% GDP tính đến quý I/2023 (số liệu từ Tổng cục Thống kê).

Tổng dư nợ tín dụng của Việt Nam khoảng 12 triệu tỉ đồng trong năm 2022. Tăng trưởng tín dụng vào bất động sản tính đến cuối năm ngoái đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua và chiếm khoảng 21,2% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế (riêng hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ).

Như vậy, hơn 1/5 dư nợ nền kinh tế đã dành cho bất động sản, nghĩa là cứ 5 đồng vốn ngân hàng bỏ ra đã có 1 đồng vào bất động sản. Chưa kể, ngoài vốn tín dụng, các doanh nghiệp địa ốc còn có thể huy động vốn từ kênh trái phiếu hoặc huy động từ khách hàng.

Vậy giải pháp nào cho thị trường bất động sản lúc này? TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu muốn thị trường bất động sản "tan băng" thì phải xuất hiện một số cơ hội. Thứ nhất là dòng tiền xuất hiện, thứ hai là mặt bằng giá đã giảm xuống một mức nào đó đủ để người mua tin tưởng và chấp nhận. Còn nếu ai cũng muốn giữ giá cao chờ đợi cơ hội thì từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ khó có chuyển biến.

Lượt xem: 498