Bạn đang ở đây
Đề nghị kiểm toán công trình Nhà Quốc hội
Đề nghị kiểm toán công trình Nhà Quốc hội
Thảo luận tại phiên họp lần thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng 6/10 ở tòa nhà Quốc hội mới, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng công trình Nhà Quốc hội tới đây sẽ được bàn giao, phục vụ kỳ họp toàn thể nên có thể đưa vào kế hoạch kiểm toán năm sau nhằm đánh giá công tác an toàn trong xây dựng, việc chấp hành pháp luật, giá cả cũng như chất lượng và tiến độ công trình.
Trong khi đó, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề xuất bổ sung vào kế hoạch kiểm toán nhà làm việc của cơ quan Quốc hội tại địa chỉ 22 Hùng Vương.
Công trình Nhà Quốc hội mới được kiến nghị đưa vào diện kiểm toán. Ảnh: Giang Huy |
Trước đó, báo cáo với Thường vụ dự kiến kế hoạch năm 2015, Tổng Kiếm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho hay trọng tâm năm tới sẽ dồn vào 3 lĩnh vực: ngân sách Nhà nước, đầu tư và doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có cả các tổ chức tài chính ngân hàng.
Trong lĩnh vực ngân sách, cơ quan này sẽ tập trung kiểm toán tổng hợp để đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách năm 2014, trong đó với địa phương và việc điều hành thu ngân sách và chi đầu tư xây dựng; trong khi ở các bộ, cơ quan trung ương sẽ chú trọng đánh giá công tác quản lý, điều hành chi đầu tư phát triển.
Với lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước, Kiểm toán dự kiến tập trung đánh giá thực trạng tài chính năm 2014; tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015; việc quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, tình hình thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng năng lượng và các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình cũng sẽ được Kiểm toán chú trọng
Đối với các tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán cho hay sẽ tập trung vào việc thực hiện quy chế giám sát tài chính, hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tài chính - ngân hàng.
Trong khi đó, ở kế hoạch kiểm toán chuyên đề, thực trạng thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 dự tính cũng sẽ là trọng tâm của cơ kiểm toán.
Một chuyên đề lớn khác cũng được đưa vào chương trình dự kiến là chương trình Trái phiếu Chính phủ theo Nghị quyết số 50/2013 của Quốc hội để đánh giá quá trình huy động, quản lý, điều hành nguồn vốn này gắn với nội dung tái cơ cấu đầu tư công.
Đáng chú ý, kế hoạch lần này cũng dự kiến kiểm toán 16 đầu mối thuộc khối Quốc phòng và 7 đầu mối của lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng - những lĩnh vực mà trước nay vẫn được coi là "vùng cấm".
Nhận xét về kế hoạch kiểm toán năm 2015, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng không nên dàn trải ra tất cả tỉnh, thành, bộ ngành, mà nên tập trung một số cơ quan trọng điểm, ví dụ như với địa phương có nguồn thu cao hoặc đầu tư còn dàn trải. “Kiểm toán phải bám sát vào hoạt động của Quốc hội, trong đó có chương trình, dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư chẳng hạn”, Phó Chủ tịch lưu ý.
Cùng chung nhận xét kế hoạch kiểm toán 2015 còn dài trải, Chủ nhiệm ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng đề xuất nên tập trung vào các dự án ODA, công trình lớn sẽ đưa vào sử dụng năm tới để xem xét tính minh bạch, hiệu quả trong sử dụng vốn vay, như với công trình Nhà ga T2 Nội Bài.
Chí Hiếu