Bạn đang ở đây
Chuyên gia kêu gọi cải cách kinh tế bằng hành động
Chuyên gia kêu gọi cải cách kinh tế bằng hành động
Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân, nơi tập trung các lãnh đạo từ cơ quan lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ) đến các chuyên gia, doanh nghiệp vừa kết thúc hai ngày làm việc. Trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, câu chuyện tăng trưởng gần như không còn ám ảnh các đại biểu như các năm trước mà thay vào đó là làm thế nào để nền kinh tế thực sự phục hồi.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Việt Nam đã có bài học của năm 2007 khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), lúc đó cả nước phấn khởi lao vào sản xuất - đầu tư mà không quan tâm đến củng cố nội lực. Hậu quả là khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, Việt Nam gặp phải một loạt vấn đề trong cơ cấu, như một "bệnh nhân ốm yếu" mà càng bơm thuốc vào càng thấy bệnh nặng thêm.
"Rút kinh nghiệm của năm 2007, sang năm 2015 chúng ta chủ động đặt vấn đề đẩy mạnh cải cách, biến lời nói thành hành động", ông Kiên chia sẻ bên lề với VnExpress.
Chủ đề cải thiện môi trường kinh doanh bao trùm diễn đàn kinh tế mùa Xuân năm nay. |
Ở bước đi đầu tiên và tổng quát nhất, một loạt văn bản Luật đã được sửa đổi nhằm mục tiêu phù hợp với tình hình thực tế, cải thiện môi trường kinh doanh và giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp xuống mức thấp nhất. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ, Việt Nam đang có 5.585 điều kiện kinh doanh các loại, có thể phủ kín 900 trang giấy A4. Trong đó, có hàng ngàn điều kiện kinh doanh ban hành trái pháp luật, ẩn núp ở thông tư, văn bản của các bộ, tỉnh, thành và những thủ tục hành chính hàng ngày.
"Đó là rào cản thị trường, làm tăng chi phí, kéo dài thời gian gia nhập thị trường, gây bất bình đẳng và làm thui chột sáng tạo trong kinh doanh, khiến thị trường méo mó", ông Cung nói.
Theo lãnh đạo CIEM, việc Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực, các điều kiện ban hành theo các thông tư, công văn cũ đương nhiêu không còn hiệu lực từ 1/7/2015, giúp môi trường kinh doanh "không mất xu nào" mà cũng được cải thiện.
Một số đại biểu cho rằng chặng đường cải cách này sẽ không dễ dàng và cần quyết tâm lớn. "Một trong những văn bản trầm kha là luật đi vào cuộc sống bao giờ cũng có vấn đề", ông Nguyễn Đức Kiên nhận định.
Chung quan điểm, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng cải cách thực sự rất khó bởi liên quan đến con người, bộ máy và cả tư duy. Điều này cũng mất rất nhiều thời gian bởi sẽ đụng tới thói quen, việc làm của nhiều người. "Quá trình đổi mới hiện nay đi rất mạnh, sửa đổi nhiều, nhưng luật có đi vào cuộc sống hay không thì phải xem Việt Nam có chấp nhận cải cách hành đồng bộ hay không. Thể chế kinh tế, nền tài chính công, hành chính công là 3 bộ phận giống như cái xích, nhông, líp của môt chiếc xe, nếu không đồng bộ thì không chạy được", ông Lịch nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay tiến trình hội nhập quốc tế đến tận cửa, nếu không thay đổi thì không cải thiện được. "Sau 20 năm Việt Nam tham gia ASEAN, chúng ta vẫn vui vẻ nằm trong nhóm CLMV (Lào - Campuchia - Myanmar - Việt Nam), vẫn thích xin thêm các ưu đãi, hỗ trợ. Điều này cực kỳ vô lý với một đất nước có tiềm năng phát triển như Việt Nam", bà Lan bức xúc.
Vị chuyên gia này khẳng định hơn lúc nào hết phải biến lời nói thành hành động. "Thách thức nước ta rất rõ, nếu không thay đổi sẽ không vượt lên được. Nhà nước làm sao phải nhận được yếu kém, sửa chữa yếu kém đó", bà nói.
Theo ông Cung, giải pháp để tháo gỡ nút thắt là Nhà nước cần hạn chế làm thông tư, công văn chỉ đạo điều hành để doanh nghiệp, người dân đỡ khổ về thủ tục hành chính, đồng thời cũng bớt cơ chế xin cho. "Thông tư đổi liên tục dân thay đổi khổ lắm, làm thông tư phải suy nghĩ 3 lần trước khi làm một lần, giải quyết vấn đề gì cho doanh nghiệp, tác động xã hội thế nào, chứ không phải vì thuận lợi cho cơ quan quản lý mà ban hành", vị này khuyến nghị.
Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng phải đảm bảo minh bạch cho môi trường kinh doanh và Nhà nước phải đồng hành cùng thị trường để kịp thời tháo gỡ khó khăn. "Môi trường kinh doanh tốt nhất mà không cần ưu đãi là môi trường đầu tư ổn định, minh bạch, trắng ra trắng, đen ra đen. Phải có nền hành chính công nghiêng về phục vụ. Trên thế giới, không nước nào có luật pháp phức tạp hơn Mỹ nhưng họ cũng không kêu ca", ông Lịch phát biểu.
Còn theo ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, để cải cách có thực chất hơn và thu được hiệu quả, phải nâng cao trách nhiệm của đơn vị triển khai thi hành phải . "từ trước đến nay quy trách nhiệm bộ trưởng không rõ, Vừa qua có cố cải tiến việc lấy phiếu tín nhiệm, nhưng tôi cho rằng rất hình thức, bỏ phiếu bất tín nhiệm là bản chất vấn đề, làm bỏ phiếu tín nhiệm hình thức mất thời gian.", ông thẳng thắn.
Đồng chủ tọa diễn đàn năm nay, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng diễn đàn sẽ lắng nghe những tâm tư của các đại biểu, từ đó hiến kế cho Chính phủ thực hiện các chương trình cải cách, mục tiêu trước mắt là đưa Việt Nam vào top ASEAN - 4. "Cải cách thủ tục hành chính là bước đi đầu tiên, các cải cách khác phải đồng bộ. Phải tăng cường tương tác Chính phủ với doanh nghiệp, nhất là tư nhân để thực hiện hiệu quả cải cách", vị này khẳng định.
Phương Linh