Bạn đang ở đây
Chứng khoán phấp phỏng cùng Thông tư 36
Chứng khoán phấp phỏng cùng Thông tư 36
Hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, tập trung vào chất lượng tín dụng và tính minh bạch của dòng vốn. Trong bối cảnh ấy, cuối năm 2014, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36 (có hiệu lực từ 1/2), quy định giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn của các tổ chức tín dụng. Theo các chuyên gia, đây là một trong những văn bản "đồ sộ" nhất của ngành tài chính ngân hàng nhiều năm qua, điều chỉnh nhiều hoạt động cho vay, trong đó đáng chú ý có cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán.
Cụ thể văn bản này quy định tổng dư nợ cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của các nhà băng. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước giới hạn cấp tín dụng để cho vay chiết khấu giấy tờ có giá, đầu tư chứng khoán lên tới 20% vốn điều lệ. Những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% cũng không được cho vay đầu tư cổ phiếu.
Theo các chuyên gia, Thông tư 36 chỉ ảnh hưởng lên thị trường trong ngắn hạn. |
"Thời gian qua, việc kiểm soát không hợp lý, chưa chặt chẽ vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào chứng khoán dẫn đến thị trường nhiều lúc biến động bất thường, gây rủi ro lớn ở nhiều tổ chức tín dụng. Đã có đơn vị lâm vào tình trạng khó khăn tài chính, mất khả năng thanh khoản, tiền gửi của người dân không được bảo đảm an toàn", đại diện Ngân hàng Nhà nước lý giải về việc không thể lùi thời hạn có hiệu lực của văn bản.
Theo Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước - Vũ Bằng, Thông tư 36 sẽ là giải pháp tốt để kiểm soát dòng vốn, tăng tính minh bạch trong hoạt động cho vay của các ngân hàng, nhưng về ngắn hạn có thể có những tác động tâm lý nhất định. "Một số ngân hàng vượt có tỷ lệ cho vay vượt rất nhiều mức 5% vốn điều lệ, nhưng cũng có những ngân hàng còn dư địa nên cần sự điều chỉnh giữa các nhà băng", ông nói.
Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước cũng nhận xét những quy định trên phản ánh ý chí của nhà điều hành muốn làm lành mạnh hệ thống ngân hàng thông qua giảm sở hữu chéo. Tuy nhiên, bất cứ một liều thuốc nào cũng gây ra phản ứng phụ.
Trước tiên, hoạt động cho vay ký quỹ (margin) của một số công ty chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng, bởi nhiều tổ chức hiện nay đang sử dụng dòng tiền từ các nhà băng cho lĩnh vực này.
Số liệu thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết tháng 11/2014, tổng dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các tổ chức tín dụng đạt hơn 20.130 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu chiếu theo "room" 5%, các nhà băng sẽ chỉ được cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu tối đa 22.665 tỷ đồng, tức dư địa không còn nhiều.
Ở bối cảnh này, một số công ty chứng khoán cho biết đã bị ngân hàng ngừng giải ngân các khoản vay mới. Công ty chứng khoán MB cho hay hạn mức dịch vụ cho vay thanh toán tiền mua chứng khoán Margin+ kết hợp với Ngân hàng Quân đội đã bị chạm tỷ lệ tối đa. Do đó, từ ngày 2/2, công ty tạm dừng giải ngân dịch vụ này cho các khoản mua mới. Công ty chứng khoán VnDirect cũng thông tin kể từ ngày 1/2/2015, các ngân hàng thương mại hợp tác với doanh nghiệp sẽ ngừng cho vay đối với các khoản mới.
Trên các diễn đàn chứng khoán, các thành viên liên tục than vãn về hiệu ứng của Thông tư 36 lên phiên giao dịch cuối cùng của tháng trước Tết Nguyên đán. Vn-Index giảm mạnh nhất trong một tháng, xuống 576 điểm; HNX-Index cũng về sát mốc 85 sau khi giảm hơn 1%.
"Việc Thông tư 36 sắp có hiệu lực từ đầu tháng 2 ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Những thông tin tiêu cực liên quan đến việc ngắt quãng nguồn cung margin của một số công ty chứng khoán lớn đã khiến 2 chỉ số chịu áp lực bán tương đối mạnh bất chấp thị trường đón nhận khá nhiều tin tích cực", chuyên viên Trần Đức Anh của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định.
Tuy vậy, đồng quan điểm với Ủy ban Chứng khoán, nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 36 tác động lên thị trường chứng khoán chỉ là ngắn hạn. "Đừng xúc động quá nhiều về phản ứng của nhà đầu tư. Đương nhiên có thể có tác động tâm lý, nhưng đây là tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Mọi chính sách không lan tỏa đồng đều, không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả", ông Trương Văn Phước nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, BVSC cho rằng việc áp giới hạn cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu nhìn chung sẽ không ảnh hưởng mạnh đến nguồn cung margin của các công ty chứng khoán lớn do phần đông các công ty này đã chủ động huy động thêm vốn từ các nguồn khác nhau. Thậm chí, nhóm công ty này sẽ được hưởng lợi khi các công ty chứng khoán nhỏ hơn gặp khó khăn và cần thêm thời gian để tìm các nguồn vay mới thay thế.
Cụ thể, VnDirect khẳng định hoạt động margin sẽ không bị ảnh hưởng do công ty có vốn chủ sở hữu hơn 1.800 tỷ đồng để "tự lực cánh sinh". MBS cũng khuyến nghị khách hàng chuyển từ dịch vụ Margin+ sang dịch vụ khác và đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu giao dịch với lãi suất ưu đãi so với thị trường.
Một số đơn vị khác còn tích cực phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn vốn, phục vụ giao dịch ký quỹ. Chẳng hạn Công ty Quản lý Đầu tư Trí Việt đã chào bán 30 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng, Công ty chứng khoán Tân Việt cũng bán được gần 184 tỷ đồng trái phiếu trong đợt huy động mới đây và dự kiến sẽ tiếp tục phát hành trong năm 2015.
"Thông tư 36 sẽ xử lý linh hoạt, uyển chuyển, mềm mại chứ không phải vấn đề quá ghê gớm. Việc cho vay chứng khoán tập trung vào 15 ngân hàng, có vốn điều lệ không quá lớn", ông Phước đánh giá.
Tại ngân hàng Công thương (Vietinbank), Tổng giám đốc Lê Đức Thọ cho hay dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu chỉ chiếm 1% vốn điều lệ, và theo Ngân hàng Nhà nước, con số bình quân cho toàn hệ thống cuối tháng 11/2014 khoảng 4,5%, so với giới hạn 5%. "Điều khoản này là cần thiết, giúp kiểm soát tốt hơn sở hữu, nhất là sở hữu chéo giữa các ngân hàng, giữa ngân hàng và doanh nghiệp, hơn cả là giúp hệ thống ngân hàng tiệm cận gần hơn với thông lệ của thế giới", ông Thọ phát biểu.
Liên quan đến việc ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao trên 3% sẽ không được cho vay chứng khoán, vị Tổng giám đốc này cho biết động thái này sẽ giúp vốn của hệ thống ngân hàng đảm bảo, chất lượng cho vay đầu tư chứng khoán tốt hơn và không ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý vẫn để "cửa mở" cho các hợp đồng vay đầu tư chứng khoán ký kết trước tháng 2/2015 được tiếp tục thực hiện, chứ không "đứt quãng" ngay lập tức. "Thông tư 36 không hạn chế việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh các loại chứng khoán khác, trừ cổ phiếu. Room còn lại để các ngân hàng cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu là rất lớn", đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Huyền Thư