Bạn đang ở đây

Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng không ứng cử nhiệm kỳ mới

Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng không ứng cử nhiệm kỳ mới

Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) diễn ra sáng nay với sự tham dự của các cổ đông và ủy quyền đại diện 91% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Nhiệm kỳ Hội đồng quản trị của Eximbank kết thúc năm nay, lẽ ngân hàng phải bầu lại toàn bộ thành viên cho nhiệm kỳ mới 2015-2020.

Trong tài liệu công bố trước đại hội, ngân hàng đã đưa ra nhân sự dự kiến gồm 6 thành viên, trong đó có hai gương mặt đến từ Nam A Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ, nguyên thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc (đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu hơn 10% vốn Eximbank) và ông Trần Ngọc Tâm, nguyên Phó tổng giám đốc Nam A Bank (đại diện nhóm cổ đông sở hữu 10,4%).

Tổng giám đốc Phạm Hữu Phú cho biết, Eximbank chưa kịp xin bầu lại tại đại hội sáng nay vì đang chờ phê duyệt. Nhân sự sẽ được bầu bổ sung trong thời gian sắp tới sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra và Ngân hàng Nhà nước thông qua. Hội đồng quản trị Eximbank cũ sẽ duy trì cho đến khi có ban quản trị nhiệm kỳ mới tiếp quản.

"Việc Eximbank chưa bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới không ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng", ông Phú tuyên bố.

Trong phần thảo luận, các cổ đông tỏ ra bức xúc về vấn đề cổ tức (năm nay Eximbank không chia cổ tức) và kết quả lợi nhuận bết bát trong năm 2014, nên đề nghị Hội đồng quản trị từ chức. Theo một cổ đông, Eximbank thuộc top 5 ngân hàng cổ phần nhưng kết quả kinh doanh quá thấp, lại không có cổ tức cho cổ đông là khó chấp nhận. Trước những bức xúc này, Tổng giám đốc Phạm Hữu Phú xin nhận toàn bộ trách nhiệm với vai trò người đứng đầu ban điều hành.

Trong năm 2014, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 68 tỷ đồng, giảm 91,5% so với năm 2013 và chỉ đạt khoảng 3% kế hoạch năm. Lý giải về mức lợi nhuận thấp này, ông Phạm Hữu Phú chia sẻ, thực ra lợi nhuận trong năm của ngân hàng hơn 1.900 tỷ đồng, nhưng do năm qua nhà băng này đã mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro hơn 588 tỷ đồng, tăng 189% so với năm 2013. Ngân hàng cũng đã tích cực rà soát nợ xấu để bán cho VAMC, nhưng theo ông dự phòng bản chất là "của để dành cho tương lai", nếu không dùng đến sẽ được hoàn nhập lại.

Cũng theo ông Phú, ngoài những quy định chung về phân loại nợ và trích dự phòng, ngân hàng hiểu rõ nhất chất lượng từng khoản cho vay của mình, vì vậy tùy vào chiến lược của từng ngân hàng mà mức trích lập này sẽ nhiều hay ít. Vì thế, không phải đợi đến cuối năm, mà ngay từ quý II/2014, Eximbank đã mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro. Quan điểm của Hội đồng quản trị Eximbank là phải đảm bảo an toàn trong hoạt động, dù phải hy sinh lợi nhuận trước mắt để trích dự phòng rủi ro…

Ông Phú cũng cho rằng, nếu cổ đông thấy rằng ban lãnh đạo yếu kém và không hoàn thành trách nhiệm thì ông sẵn sàng xin từ chức để người có năng lực hơn điều hành.

dung-7634-1437460888.jpg

Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó chủ tịch thường trực Hà Thanh Hùng. Ảnh: Lệ Chi.

Tại đại hội, Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng chia sẻ, bản thân mình là người đi làm thuê nên luôn chấp nhận cuộc chơi khắc nghiệt "làm giỏi thì được khen còn chưa giỏi thì bị chê, thậm chí bị mắng nhiếc". Với kết quả hoạt động kinh doanh trong năm qua chưa khả quan, ông thay mặt Hội đồng quản trị xin lỗi cổ đông và cho biết bản thân ông đã xin thôi nhiệm chứ không cần chờ cổ đông yêu cầu từ chức. Do đó, ông không tiếp tục ứng cử vào hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.

Ông cũng giãi bày thêm, thời gian qua không thể lường trước được việc bất động sản đóng băng, thị trường khó khăn. Vì vậy, các cổ đông cũng phải chia sẻ với những người làm ngân hàng.

Tại cuộc họp, cổ đông cũng nêu ý kiến về thù lao cho Hội đồng quản trị năm 2014 với tổng mức duyệt là 1,5% trên tổng lợi nhuận trước thuế 69 tỷ đồng, nhưng mức thực chi lại tới 33 tỷ đồng, nên yêu cầu Hội đồng quản trị hoàn trả lại.

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Lê Hùng Dũng cho biết, đầu năm ngân hàng có biến động lớn, nên đã tạm ứng 33 tỷ đồng, nhưng kết quả cuối cùng chỉ có hơn 69 tỷ  lợi nhuận. Do đó, phần tạm ứng vượt chi sẽ được thu hồi về.

Ngoài các vấn đề trên, cổ đông cũng yêu cầu làm rõ khả năng thu hồi vốn của các khoản nợ xấu. Đại diện Eximbank cho biết, hiện tổng nợ xấu cần xử lý tính đến 30/6/2015 là 2.400 tỷ đồng, trong đó nợ từ nhóm 2-5 là 1.476 tỷ; nợ đã cơ cấu lại theo Thông tư 780 đã dừng dự thu tính và tính vào nợ quá hạn, tỷ lệ nợ xấu là 2,82%. Phần lớn các khoản vay đều có tài sản đảm bảo, còn cho vay không có tài sản đảm bảo chiếm chưa đến 5% tổng nợ xấu này.

Năm 2014, tỷ lệ nợ xấu của Eximbank tăng lên 2,46% từ mức 1,98% vào cuối năm 2013, huy động tăng 28% so với năm 2013, cho vay hơn 87.000 tỷ đồng, tăng 4,21% so với năm trước. Trước đây, lợi nhuận của Eximbank từng đạt đến 2.139 tỷ đồng vào năm 2012 và giảm xuống còn 659 tỷ đồng năm 2013, đến năm vừa qua chỉ còn 56 tỷ đồng.

Đại diện vốn của cổ đông nước ngoài SMBC cũng cho rằng, tín dụng Eximbank tăng nóng, nợ xấu tăng lên thời gian qua một phần do việc trao quyền quá lớn cho các giám đốc chi nhánh của ngân hàng. Mặc khác, vị này cũng cho rằng do biến động của tình hình kinh tế, sự trồi trụt của thị trường bất động sản thì dù có kiểm soát chặt cũng khó tránh nợ xấu.

Về vấn đề cổ tức, SMBC cho rằng cổ đông không nên đòi hỏi khi tình hình kinh doanh khó khăn. Vấn đề quan trọng của Eximbank hiện nay là phải làm "sạch sẽ" nợ xấu. Do đó, không nên kỳ vọng vào lợi nhuận cao.

Kết quả kiểm phiếu Đại hội cổ đông Ngân hàng Xuất nhập khẩu - Eximbank được công bố chiều nay, sau gần 7 tiếng làm việc liên tục. Theo đó, cổ đông đã thông qua hầu hết tất cả các tờ trình do Hội đồng quản trị đưa ra.

Phát biểu ngay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, đại diện Ngân hàng Nhà nước tại cuộc họp cho rằng, trong tình hình kinh doanh khó khăn như hiện nay, vấn đề đảm bảo an toàn hệ thống là quan trọng nhất. Do đó, việc trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ để tạo nền tảng phát triển sau này là yêu cầu cấp thiết.

Ông Lê Hùng Dũng cho biết rất chia sẻ với bức xúc của cổ đông vì không được chia cổ tức, tuy nhiên ông khuyên cổ đông không nên nhìn lợi nhuận trước mắt bằng yêu cầu chia cổ tức mà quên đi lợi ích lâu dài.

Năm 2015, Eximbank đưa ra mục tiêu tổng tài sản là 180.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2014; huy động vốn đạt 126.000 tỷ đồng (tăng 24%); dư nợ cấp tín dụng đạt 108.750 tỷ đồng (tăng 11%); lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Eximbank đạt lợi nhuận 570 tỷ đồng, tương đương 57% kế hoạch năm, cuối năm 2015 Ngân hàng sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra.

Lệ Chi

Lượt xem: 1,345