Bạn đang ở đây
Châu Âu mở hầu bao cứu ngân hàng Hy Lạp trước giờ G
Châu Âu mở hầu bao cứu ngân hàng Hy Lạp trước giờ G
Theo thống kê nhà chức trách Hy Lạp, chỉ riêng trong ngày thứ 6 (19/6), số tiền bị rút khỏi hệ thống ngân hàng nước này đạt 1,2 tỷ euro, đưa con số rút ròng từ đầu tuần lên 4,2 tỷ. Áp lực này khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải nới trần gói Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp. Tuy con số chính xác vẫn chưa được công bố, song theo CNBC, mức hỗ trợ này đạt khoảng 3,3 tỷ euro.
Người dân Hy Lạp vẫn tiếp tục rút tiền. Ảnh: Reuters |
Điều gì sẽ xảy ra với khủng hoảng nợ Hy Lạp ? I. Hy Lạp và các chủ nợ không đạt được thỏa thuận: Hy Lạp vỡ nợ. ECB tiếp tục bơm vốn cho các ngân hàng và sẽ nắm quyền kiểm soát. Hy lạp sẽ rời khỏi eurozone. II: Hy Lạp đồng ý với các chủ nợ vào phút chót về việc tái cấu trúc. Nước này sẽ ở lại eurozone. III: Các bên không đạt được thỏa thuận nhưng sẽ nhượng bộ lẫn nhau. Hy Lạp tạm thời ở lại eurozone. |
Đầu tuần tới, cuộc họp bất thường giữa các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ được tổ chức nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp, sau khi nỗ lực ở cấp bộ trưởng bất thành.
Trước cuộc họp, các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết sẽ chỉ ngồi vào bàn đàm phán khi nước này có những đề xuất mới về cải cách, nhằm thuyết phục được chủ nợ mở gói cứu trợ đã bị khóa từ đầu năm. Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu - Donald Tusk, người sẽ chủ trì cuộc họp này cho biết sẽ khó có một "giải pháp kỳ diệu" cho vấn đề.
“Những trò chơi của sự hèn nhát và đổ lỗi lẫn nhau cần chấm dứt, bởi vì không còn thời gian cho bất kỳ trò chơi nào cả”, vị này nói.
Đức với tư cách là quốc gia đóng góp nhiều nhất vào gói cứu trợ của Châu Âu vẫn đặt nhiều hy vọng cho một thỏa thuận sẽ đạt được vào cuộc họp này. Phát ngôn viên Chính phủ Đức - Steffen Seibert cho rằng mọi việc chưa quá muộn, song Bộ trưởng Tài chính - Wofgang Schaeuble lại tỏ ra không mấy lạc quan sau nhiều vòng đàm phán bất thành.
Về phía mình, Ngân hàng Trung ương Hy Lạp trong nỗ lực xoa dịu tình hình, khẳng định hệ thống nhà băng vẫn ổn định. Dù vậy, kể từ khi Chính phủ nước này nhận gói hỗ trợ từ EU và IMF năm 2010, việc dòng tiền âm thầm chảy khỏi hệ thống ngân hàng không phải diễn biến mới. Chỉ tính từ đầu năm, số tiền bị rút đã lên khoảng 40 tỷ USD.
Nhận định diễn biến hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào thứ 2 tới, tờ Telegraph nhận định Hy Lạp có thể sẽ giành ưu thế. “Dường như người Hy Lạp rất giỏi trong việc đẩy lùi thời hạn chót".
Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras cũng tỏ ra tự tin và bình tĩnh. “Tất cả những ai đang hy vọng vào một viễn cảnh hỗn loạn và khủng hoảng sẽ được chứng minh là sai lầm”, ông phát biểu bên thềm Diễn đàn kinh tế St Petersburg.
Những điểm gây tranh cãi chính trong kế hoạch giải cứu Hy Lạp: - Hy Lạp không đồng ý cắt giảm lương hưu và lương cho khu vực công, với lý do hai phần ba khu vực hưu trí đang sống gần hoặc dưới ngưỡng nghèo. - Các chủ nợ cho rằng việc cắt giảm quỹ lương hướng tới điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, thay vì giảm lương của mỗi cá nhân. - Các tổ chức này muốn Hy Lạp giảm quỹ lương thêm 1% GDP (còn khoảng 16% GDP), trong khi nước này cho rằng tỷ lệ như vậy là quá cao, bởi tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế đã thu hẹp đáng kể. - Các quan chức EU muốn Hy Lạp đồng ý đặt mục tiêu thặng dư ngân sách 1% GDP trong năm nay, 2% cho 2016 và 3,5% cho 2018. Hy Lạp lại đặt điều kiện phải nhận được hỗ trợ trước khi đồng ý những điều kiện này. - Chủ nợ muốn mở rộng diện thu VAT, trong khi Hy Lạp không muốn áp thêm thuế đối với các mặt hàng dược và năng lượng. - Hy Lạp cho rằng chủ nợ chỉ muốn tăng thuế, trong khi IMF lại phàn nàn rằng Athens đã không có những cải cách thích đáng. |
Đức Anh