Bạn đang ở đây

Chaebol Hàn Quốc ngày càng mất uy tín

Chaebol Hàn Quốc ngày càng mất uy tín

Trong lịch các vụ án kinh doanh tại Hàn Quốc, sự kiện diễn ra trong ngày 8/3/2007 vẫn được nhiều người nhớ tới đến là đặc biệt kỳ lạ. Khi đó, ông Kim Seung-yeon - Chủ tịch tập đoàn Hanwha và cũng là một trong những người giàu có, quyền lực nhất Hàn Quốc, đã dẫn đầu một đội vệ sĩ đến đánh đập các nhân viên quán bar trước đó đã tấn công con trai ông. Theo bằng chứng đưa ra tại tòa án, ông này đã ra tay đánh đập cho đến khi "thấm mệt", sau đó mới cho phép những người khác đánh thay mình.

Vì việc trên, lẽ ra ông Kim phải nhận án tù 18 tháng, nhưng sau đó lại được Tổng thống Hàn Quốc đặc xá. Điều này đã gây ra bức xúc trong dư luận. Người ta cho rằng việc tha bổng Kim Seung-yeon đã vạch ra ranh giới giữa luật pháp cho người đứng đầu các tập đoàn gia đình lớn (chaebol) với người bình thường.

Kim-sung-yeon-9293-1439615985.jpg

Kim Seung Yeon đã bị kết tội 4 năm tù vì biển thủ. Ảnh: Bloomberg

Giờ đây, ông cũng đang là tâm điểm của một tranh cãi tương tự. Năm 2012, ông bị kết tội tham nhũng vì đã chuyển tiền trái phép từ các chi nhánh ăn nên làm ra đến các mảng yếu kém hơn trong tập đoàn. Lần này, Kim bị kết án bốn năm tù giam, nhưng năm ngoái lại được ra tù với lý do bệnh tật. Dù những cáo buộc về tội trạng của ông vẫn còn, Kim Seung-yeon có thể sẽ được tha bổng lần thứ hai.

Các lãnh đạo doanh nghiệp đang vận động việc tha bổng ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc cũng đang xem xét điều đó. Thành công của công ty đang được dùng để che đậy những việc làm sai trái của ông trong quá khứ. Kim Seung-yeon cũng được tâng bốc về cách ông coi việc quản lý là "một trách nhiệm thiêng liêng". Hanwha còn đề cập đến vai trò của ông trong các Liên đoàn Quyền anh tại Hàn Quốc và châu Á nhằm tăng cơ hội cho ông thoát án sớm.

Trường hợp của Kim Seung-yeon đang là minh chứng cho tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Tổng thống Park Geun-hye đang phải đối mặt. Vì khi lên nắm quyền, bà đã tuyên bố rằng các doanh nhân có hành vi sai trái đều sẽ bị xử tội như những công dân bình thường.

Bà đã tuyên bố trong tháng này sẽ đặc xá cho một phạm nhân để kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Hàn Quốc. Ông Kim có thể sẽ nằm trong danh sách này. Tuy nhiên, Woochan Kim - Chủ tịch Trung tâm Quản trị doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng tha bổng sẽ đồng nghĩa với việc bà không không thuận theo lời hứa khi tranh cử.

Ngoài ông Kim, còn có một lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng có khả năng được xóa án nhờ sắc lệnh trên của Tổng thống Park. Đó là cựu Chủ tịch SK - Chey Tae-won - người giàu thứ 6 Hàn Quốc với 4,6 tỷ USD, theo Forbes. Ông đang phải thụ án tù 4 năm vì biển thủ 47 triệu USD của công ty.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc - Park Yong-man cho rằng: "Nếu những người này được xóa án chỉ bởi vì họ là doanh nhân, đó sẽ là phân biệt đối xử”. Nếu Tổng thống Park tha bổng cho hai trụ cột kinh tế của Hàn Quốc, bà sẽ đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc tranh cãi vốn đã rất nóng về vấn đề này.

Hình ảnh các chaebol Hàn Quốc gần đây đang ngày một xấu đi trong mắt người dân. Đầu năm nay, con gái Chủ tịch hãng hàng không Korean Air đã phải ngồi tù vì yêu cầu phi cơ quay ngược về sân bay để đuổi tiếp viên trưởng xuống. Nguyên nhân chỉ vì tiếp viên phục vụ bà không đổ hạt mắc ca ra đĩa.

Shin-Kyuk-Ho-4090-1439615985.jpg

Ông Shin Kyuk Ho - người sáng lập Tập đoàn Lotte. Ảnh: Yonhap

Mới cuối tháng 7, nhà sáng lập Lotte Group - Shin Kyuk Ho bị chính con trai mình đẩy khỏi vị trí lãnh đạo trong cuộc tranh đấu quyền lực tại chaebol lớn thứ 5 Hàn Quốc này. Samsung - tập đoàn gia đình lớn nhất nước cũng đang trong tâm bão dư luận vì kế hoạch sáp nhập hai công ty con đầy tranh cãi.

Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee đã nhập viện vì bệnh tim từ tháng 5 năm ngoái. Và tình hình sức khỏe của ông vẫn luôn được giữ kín. Vắng mặt cha, con trai duy nhất của ông là Lee Jae-yong (JY Lee) được cất nhắc lên điều hành việc kinh doanh. Trong hoàn cảnh Chủ tịch không còn đủ sức khỏe để làm việc, Samsung đang phải chuẩn bị cho kế hoạch thừa kế và tái cơ cấu.

Một vài điểm trong công tác tái cơ cấu đang bị phản đối bởi các cổ đông không phải là thành viên trong gia đình và không mang quốc tịch Hàn Quốc. Trong đó có tỷ phú đầu tư Paul Singer. Ông cho rằng việc sáp nhập hai công ty con của Samsung không phải là một chính sách tốt. Nó chỉ được vẽ ra nhằm củng cố quyền lực cho gia đình họ Lee mà thôi.

Sau đó, một công ty của Samsung đăng lên website những bức hình biếm họa mô tả doanh nhân người Mỹ này là một con chim kền kền với cái mỏ khoằm. Sự việc này đã khiến Samsung bị cáo buộc là bài trừ người Do Thái. Trước tình hình đó, công ty đã ngay lập tức gỡ bỏ những bức biếm họa và tuyên bố phản đối chủ nghĩa này.

Samsung cũng bị chú ý vì cách lấy lòng cổ đông nhỏ và không phải là thành viên trong gia đình. Ví dụ, họ cử nhân viên mang quà đến tận nhà và văn phòng của các cổ đông này để xoa dịu thái độ của họ.

Samsung không xác nhận việc tặng quà cho các cổ đông. Họ chỉ cho biết nếu có việc này thật, đó cũng chỉ là những món quà sẽ chỉ rất nhỏ thôi. Và chúng đều "tuân theo quy định của pháp luật" cũng như "vì lợi ích của công ty và các cổ đông".

Kết quả sau tất cả các vụ kiện tụng và tranh cãi này, là gia đình Lee đã đạt được mục đích tái cơ cấu Samsung mà họ tuyên bố là để cải thiện lợi ích của các cổ đông. trong khi những người chỉ trích lại cho rằng việc đó chỉ củng cố quyền lực của nhà họ Lee mà thôi.

Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu quyền lãnh đạo theo kiểu thừa kế có là con đường tốt nhất cho kinh tế Hàn Quốc hay không? Bên cạnh đó, nếu Tổng thống ân xá cho lãnh đạo của hai tập đoàn khổng lồ trên thì liệu một nền kinh tế, và nền dân chủ như Hàn Quốc có thể vận hành tốt không, khi những người ở địa vị cao luôn hơn được hành động theo những quy định riêng.

Thanh Tuyền (theo BBC)

Lượt xem: 1,223