You are here
Tháo gỡ rào cản trong quy định về chuyển nhượng dự án bất động sản
Tháo gỡ rào cản trong quy định về chuyển nhượng dự án bất động sản
Thị trường bất động sản đang cần sự hỗ trợ rất lớn trong việc tháo gỡ những rào cản về quy định chuyển nhượng dự án. Ảnh: Bảo Chương
Hiện có hàng nghìn dự án bất động sản đang trong tình trạng dang dở, một phần vì pháp lý chưa hoàn thiện, phần khác do chủ đầu tư không còn đủ nguồn tài chính để triển khai tiếp. Số liệu thống kê từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho thấy, số lượng dự án bất động sản dang dở trên cả nước hiện lên đến cả nghìn dự án với giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 30 tỉ USD. Trong bối cảnh này, câu chuyện chuyển nhượng dự án là một lối thoát cho doanh nghiệp, tuy nhiên các quy định về chuyển nhượng dự án theo Luật Kinh doanh bất động sản đang là rào cản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã có sự thay đổi lớn khi không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng. Tuy nhiên, lại đặt thêm yêu cầu bên chuyển nhượng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án thực sự sẽ làm khó cho việc chuyển nhượng dự án.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội khóa 14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cho phép Tổ chức tín dụng được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó là dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhiều dự án bất động sản trùm mền vì đứt dòng tiền. Ảnh minh hoạ: Gia Miêu
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, nếu cho phép áp dụng tương tự cơ chế thí điểm chuyển nhượng dự án bất động sản theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 thì sẽ tác động tích cực ngay lập tức và cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và hỗ trợ các trái chủ, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản thông thoáng, tăng thêm nguồn thu ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản.
Chính vì vậy, mới đây Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép áp dụng tương tự cơ chế thí điểm chuyển nhượng dự án, một phần dự án bất động sản theo khoản 1 Điều 10 Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội trên cơ sở xây dựng, hoàn thiện lại nội dung Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Đó là chủ đầu tư chuyển nhượng đã có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) với Nhà nước đối với dự án, phần dự án chuyển nhượng mà không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.
Trường hợp bên chuyển nhượng dự án, một phần dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài chính này, để các doanh nghiệp bất động sản được thỏa thuận chuyển nhượng dự án bất động sản (M&A) theo nhu cầu, vừa tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh, tự do kinh doanh của doanh nghiệp, vừa tạo được dòng tiền để vượt qua khó khăn, vừa giảm bớt lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng..