You are here
Dự án nhà ở xã hội vướng đủ kiểu
Dự án nhà ở xã hội vướng đủ kiểu
Làm nhà ở xã hội mệt mỏi vì thủ tục. Ảnh: Anh Dũng
Đơn cử vào tháng 4.2022, Sở Xây dựng TPHCM đã tổ chức lễ khởi công dự án nhà ở xã hội phường Long Trường (TP Thủ Đức) với quy mô gần 600 căn nhà ở xã hội, với tổng diện tích sàn xây dựng gần 35.000m2. Dự án nhà ở xã hội phường Long Trường (thuộc dự án khu dân cư phường Long Trường, TP Thủ Đức) do Công ty Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư đã khởi công gần 1 năm nhưng vẫn "án binh bất động". Bên trong dự án chỉ là khu đất trống.
Theo Sở Xây dựng, khu dân cư tại phường Long Trường, TP Thủ Đức chưa trình hồ sơ thẩm định giá bán, giá cho thuê mua nhà ở xã hội.
Hay như Dự án chung cư nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư Tân Thuận Tây tại phường Tân Thuận Tây và phường Bình Thuận, quận 7 (quỹ đất ở 20%) do Công ty CP đầu tư xây dựng Xuân Mai Sài Gòn làm chủ đầu tư cũng được tổ chức lễ động thổ vào dịp lễ 2.9.2022, nhưng đến nay cũng chưa triển khai gì. Nếu dự án hoàn thiện sẽ cung cấp 1.300 căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Theo Sở Xây dựng, khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7) chưa nộp lại hồ sơ để thẩm định thiết kế cơ sở tại Bộ Xây dựng. UBND TPHCM đã giao Sở Xây dựng hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo, sau khi có kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng.
Dự án chung cư nhà ở xã hội thuộc khu nhà ở tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức (thuộc quỹ đất 20%) do Công ty CP Bất động sản Dragon Village làm chủ đầu tư cũng được khởi công, động thổ vào dịp lễ 2.9.2022, với tổng cộng 764 căn nhà ở xã hội nhưng đến nay cũng vẫn chưa thi công.
Nhiều dự án nhà ở xã hội vướng thủ tục. Ảnh: Anh Dũng
Những ví dụ nêu trên là một bức tranh rõ nét về câu chuyện nhu cầu nhà ở xã hội thì lớn, mục tiêu đặt ra thì cao nhưng tắc và vướng đủ kiểu. Tại một hội thảo mới đây góp ý sửa đổi quy định về phát triển, quản lý và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đến 2030, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân đề cập đến "bộ 4 rào cản" trong phát triển, xây dựng nhà ở xã hội. Đó là, cơ chế vốn, cơ chế quỹ đất, cơ chế chính sách và thủ tục hành chính.
Về cơ chế vốn, trước đây, Chính phủ có gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ sự phát triển của nhà ở xã hội. Tuy nhiên sau đó, Chính phủ không còn triển khai gói tín dụng nào tương tự. Liên quan tới cơ chế chính sách, lãnh đạo công ty Hoàng Quân cho biết tháng 8.2022, Ngân hàng Nhà nước có thông báo 4 dự án được vay gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, mức lãi suất giảm 2%, trong đó Hoàng Quân có 2 dự án trong diện này, là HQC Tân Hương được vay 800 tỉ đồng và HQC Tây Ninh vay 100 tỉ đồng. Tuy nhiên đến nay, doanh nghiệp vẫn không vay được. Ngoài ra, Nhà nước quy định doanh nghiệp làm nhà ở xã hội chỉ được lời 10%, phải cho thuê 20% số căn hộ hoàn thành, tối thiểu trong 5 năm rồi mới được bán. Quy định này làm doanh nghiệp bị ảnh hưởng về dòng tiền và vốn, có thể khiến lợi nhuận về con số không.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Cty BĐS Trường Phát cho biết cũng mong muốn Nhà nước có cơ chế về quỹ đất hợp lý để doanh nghiệp thuận tiện thực hiện. Nếu doanh nghiệp có sẵn quỹ đất do bỏ tiền mua, Nhà nước cần tính toán giá mua theo thị trường, không áp dụng theo đơn giá Nhà nước, bởi 2 mức giá có sự chênh lệch. Điều này nếu làm được sẽ giải quyết được nút thắt quỹ đất trong phát triển nhà ở xã hội.