You are here
Nhà ở xã hội luôn trong tình trạng "khát" cung
Nhà ở xã hội luôn trong tình trạng "khát" cung
Nhu cầu nhà ở xã hội tại các thành phố còn rất lớn. Ảnh: Phan Anh
"Khát" cung nhà ở xã hội
Thời gian qua, giá bất động sản liên tục tăng cao, kể cả trong giai đoạn thị trường trầm lắng, giá bán một số phân khúc vẫn không hạ nhiệt. Đặc biệt là căn hộ chung cư, nhà ở bình dân, nhà giá rẻ… khiến giấc mơ có nhà của nhiều người lao động có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ngày càng xa vời.
TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế - gây chú ý khi sẻ kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia dựa trên hai tiêu chí của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), theo đó, nếu như cách đây 4 năm người lao động Việt Nam cần 35 năm để có thể mua nhà thì con số này hiện nay đã tăng lên 57 năm.
Vì vậy, xây dựng nhà ở xã hội là một chủ trương lớn, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp và trung bình, cũng như góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp là vấn đề cấp bách để giải bài toán nhà ở cho người dân, đồng thời cũng là giải pháp để ổn định thị trường bất động sản.
Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" đang được chờ đợi và kỳ vọng sẽ giải được "cơn khát" nhà ở của hàng triệu người dân. Tới nay, dù được kỳ vọng nhưng nhà ở xã hội vẫn là giấc mơ xa vời của người lao động thu nhập thấp.
Cần phải có nhiều đề án tương tự "1 triệu căn nhà ở xã hội"
Đánh giá về nguồn cung nhà ở xã hội, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định: "Nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay đang ở mức rất thấp. Trong cả một thời gian dài, sản phẩm ở phân khúc này quá ít trong khi nhu cầu về nhà ở xã hội trên thị trường là rất lớn, có thể trong nhiều năm chúng ta cũng chưa giải quyết được".
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, trong việc phát triển nhà ở xã hội, nếu vẫn giữ những quy định như hiện nay, không có sự quyết liệt, không có biện pháp tháo gỡ thì chắc chắn sẽ rất khó thu hút nhà đầu tư. Bởi vì thủ tục đầu tư nhà ở xã hội cũng giống như nhà ở thương mại, chỉ khác ở chỗ không phải định giá tiền sử dụng đất, nhưng lại phải duyệt giá bán, duyệt người mua. Những quy định này đã khiến nhà đầu tư cảm thấy khó khăn.
Ông Thanh cho rằng, duyệt giá bán nhà ở xã hội với kỳ vọng giá càng thấp càng tốt. Nhưng thực tế trên thị trường đã có những dự án có sự chênh lệch với mức giá phê duyệt rất lớn. Phó Chủ tịch VARS nêu ví dụ, những người thu nhập thấp đã mua được nhà ở xã hội, khi đã có thu nhập tốt hơn, họ chuyển đi và chuyển nhượng lại nhà cho người khác. Lúc này, người đến sau, phải chịu áp lực từ thị trường nhà ở thương mại với giá bán cao, nhà ở xã hội cũng "ăn theo" tăng giá, khi đó họ đã chấp nhận mua chênh cao hơn 5 - 10 giá so với giá gốc.
"Từ thực tế này có thể thấy rằng, nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, trong khi nguồn cung trên thị trường đáp ứng được ở mức rất thấp", ông Thanh nói.
Về đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong thời gian tới, ông Thanh cho rằng, trong vòng 5, 10 năm, thậm chí 20 năm phải triển khai liên tục những kế hoạch, đề án tương tự. Chứ chỉ 1 triệu căn sắp tới được đưa ra sẽ giải quyết hết được nhu cầu của thị trường là không thể.
Trong năm vừa qua, phân khúc nhà ở xã hội đón nhận tin nhiều doanh nghiệp, trong đó có những "ông lớn" bất động sản cam kết sẽ tham gia xây dựng nhà ở xã hội.
Ông Thanh cho rằng, đây vừa là tin vui, cũng là tin không vui, "vì chúng ta đã kêu gọi các doanh nghiệp tham gia nhiều năm nay rồi, nhưng vẫn một cơ chế cũ, thì chắc chắn cũng không thu hút, không khuyến khích được doanh nghiệp tham gia, bắt tay vào thực hiện quyết liệt. Ngày xưa bán nhà 10 triệu đồng/m2, bây giờ vẫn phải xây nhà 10 triệu đồng/m2 thì đó là suy nghĩ mang tính lạc hậu. Nếu không thay đổi tư duy trong việc phát triển nhà ở xã hội thì hiệu quả sẽ không thay đổi".