You are here
Nhiều ngành nghề thấp thỏm chờ bất động sản vực dậy
Nhiều ngành nghề thấp thỏm chờ bất động sản vực dậy
Bất động sản phát triển sẽ vực dậy nhiều ngành nghề khác. Ảnh: CAO NGUYÊN
Một ngôi nhà - nghìn nhu cầu
Sau khi nhận thông báo chủ đầu tư sẽ bàn giao căn hộ trên đường Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội), chị Phương Dung nghĩ ngay đến việc tìm đơn vị thiết kế và lắp đặt nội thất.
Hàng xóm tương lai của chị, anh Bùi Quang Phước (đang trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) thậm chí còn đặt mua mới tất cả đồ gia dụng, hàng đã chuẩn bị sẵn, chỉ chờ giao nhà.
Nhìn từ câu chuyện cụ thể của những cư dân như chị Dung, anh Phước và rộng ra là cả nghìn nhu cầu khởi phát khi một bất động sản hoàn thành, dễ dàng nhận thấy có cả một hệ sinh thái các ngành nghề liên quan và ảnh hưởng lẫn nhau xoay quanh bất động sản. Không có những công trình thì ngành nội thất, thiết kế, thiết bị gia dụng… cũng mất nhiều cơ hội phát triển.
Một thực tế cho thấy, vào thời điểm này, khi bất động sản khó khăn, dự án bị chậm tiến độ, nhà mới không có để giao, nên cũng làm hạn chế nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân.
Dễ dàng nhận thấy, một ngôi nhà hoàn thiện, khi đưa vào sử dụng sẽ kéo theo nhu cầu về một không gian sống đầy đủ tiện nghi. Khi đó những vật dụng cần thiết như: đồ nội thất (tủ, giường, bàn ghế…); đồ điện gia dụng (tivi, tủ lạnh, máy giặt…); camera, thiết bị an ninh; bồn chứa nước, máy nước nóng năng lượng mặt trời; bếp, vật dụng bếp; đồ trang trí cũng như rất nhiều thứ khác cần hiện diện để đảm bảo cuộc sống cơ bản cho người dân.
Chính vì thế trong bối cảnh hiện tại, khi thị trường BĐS đang gặp không ít khó khăn, thì nhiều ngành sản xuất, dịch vụ liên quan cũng đối mặt nhiều sự sụt giảm.
Thấp thỏm nỗi lo bất động sản ngưng trệ
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - ví von thị trường bất động sản giống như 2 loài chim, khi nó là chim én báo hiệu mùa xuân về nghĩa là thị trường bất động sản đang phát triển ổn định. Nhưng khi nó là chim báo bão, nghĩa là thị trường bất động sản đang khủng hoảng, kéo theo nền kinh tế khủng hoảng.
Quả thực, ở những năm bất động sản hưng thịnh, nền kinh tế cũng được hưởng lợi lớn. Năm 2016 - thời điểm bất động sản phục hồi mạnh, Bộ Tài chính thu 171.000 tỉ đồng thuế, phí liên quan đến tài sản, trong đó có khoảng 148.000 tỉ đồng liên quan đến nhà, đất, cao nhất trong vòng 5 năm.
Doanh số khả quan trên thị trường bất động sản thời điểm ấy cũng khiến ngành thép, ximăng, gạch xây dựng, nội thất, xây dựng… “được nhờ”.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam hoạt động sản xuất các loại thép xây dựng, ống thép, tôn mạ, thép cán nguội… tăng trưởng mạnh nhờ bất động sản.
Quay trở lại với tình hình hiện tại, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng có, biểu hiện qua việc dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới... Điều này tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Là ngành nghề có liên quan mật thiết đến khoảng hơn 40 ngành kinh tế quan trọng khác, quy mô thị trường bất động sản sụt giảm cũng khiến cả hệ sinh thái bị ảnh hưởng: từ nhà thầu xây dựng đến nhà sản xuất, cung cấp vật liệu, đơn vị thi công nội thất...
TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia - khi đề cập đến tình hình khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay đã cảnh báo, bất động sản đình trệ thì đừng nói đến tăng trưởng.
Theo ông, tỉ lệ tác động lan tỏa của bất động sản là 1,3 - 1,4, tức là 1% tăng trưởng bất động sản sẽ tạo ra 1,3 - 1,4% tăng trưởng của nền kinh tế. Khi bất động sản gặp vấn đề, một nguồn vốn xã hội rất lớn sẽ bị chôn vùi, ảnh hưởng đến toàn bộ tăng trưởng kinh tế nói chung.