You are here

Hồ thủy lợi bị xâm hại: Đã phát hiện nhiều vụ vi phạm quy mô lớn

Hồ thủy lợi bị xâm hại: Đã phát hiện nhiều vụ vi phạm quy mô lớn

Nhiều vụ vi phạm sát khu vực quản lý

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết,  vụ việc hồ thủy lợi trên địa bàn Hà Nội bị "xẻ thịt" mà Báo Lao Động phản ánh liên quan đến nhiều mảng như hồ thủy lợi (thuộc trách nhiệm của các công ty thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trật tự xây dựng (thuộc trách nhiệm của địa phương, Sở Xây dựng); Vi phạm đất đai (thuộc trách nhiệm của địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường). Hiện UBND TP.Hà Nội đã giao các đơn vị liên quan xác minh, làm rõ. 

Công trình nhà nghỉ homestay tại hồ Miễu, huyện Chương MỹCông trình nhà nghỉ homestay tại hồ thủy lợi Miễu, huyện Chương Mỹ 

Cũng liên quan đến vụ việc, ngày 21.9, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội ký công văn số 2593/SNN-TLPCTT về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố.

Công văn nêu rõ, sau loạt bài của Báo Lao Động đăng tải về hồ thủy lợi bị xâm hại, cơ quan chức năng đã bước đầu vào cuộc. Theo báo cáo của Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, qua công tác kiểm tra hiện trường một số hồ chứa thủy lợi đã phát hiện nhiều vụ vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước có quy mô diện tích lớn. Có vụ nằm gần khu vực nhà quản lý công trình nhưng vẫn không được tổ chức khai thác công trình thuỷ lợi lập biên bản vi phạm, thông báo cho chính quyền địa phương xử lý và không tổng hợp báo cáo Sở.

Nhiều vụ vi phạm chưa được các tổ chức khai thác công trình thuỷ lợi kịp thời phát hiện, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý ngay từ khi mới phát sinh, dẫn đến vi phạm với quy mô lớn, gây khó khăn cho việc xử lý, giải toả.

Tổ hợp xây dựng trên đất lâm trường hồ Đồng Sương, Chương MỹTổ hợp xây dựng trên đất lâm trường hồ thủy lợi Đồng Sương, Chương Mỹ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội nhận định, mặc dù đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các Công ty Thủy lợi phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được còn hạn chế, nhiều vụ vi phạm tồn tại chưa được xử lý; tình hình vi phạm mới phát sinh nhiều, vi phạm tại các hồ chứa thuỷ lợi xu hướng diễn biến phức tạp với diện tích và quy mô lớn; nhiều đơn vị, địa phương không gửi văn bản báo cáo kết quả thực hiện công tác xử lý vi phạm về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hạn định.

Kiểm tra ngay các vụ việc báo nêu

Trên cơ sở thông tin của Báo Lao Động, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp các Công ty Thuỷ lợi kiểm tra ngay các vụ việc trên địa bàn mà các bài báo đã phản ánh. Qua đó, các đơn vị xem xét xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm; báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát  triển nông thôn trước ngày 30.9.2022.

Một công trình nghi xâm hại hồ Cửa Khâu, huyện Quốc OaiMột công trình nghi xâm hại hồ thủy lợi Cửa Khâu, huyện Quốc Oai.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng yêu cầu, các công ty thủy lợi kiểm tra cụ thể, thống kê, phân loại toàn bộ các vụ vi phạm công trình thuỷ lợi  báo cáo trước ngày 31.10.2022.

Đối với UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về tình trạng vi phạm diễn ra trên địa bàn mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý giải tỏa theo quy định.

UBND cấp huyện phải xây dựng kế hoạch xử lý giải tỏa các vụ vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn, báo cáo UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30.10.2022. 

Lượt xem: 750