You are here

Thủ tướng đề nghị Nhật hỗ trợ Việt Nam trong Cách mạng 4.0

Thủ tướng đề nghị Nhật hỗ trợ Việt Nam trong Cách mạng 4.0

Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ và tọa đàm với 60 doanh nghiệp công nghệ thông tin của Nhật. Trong buổi tọa đàm, người đứng đầu Chính phủ đã khen ngợi các công ty Nhật là "nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, hiệu quả cao, là đối tác tin cậy, lâu dài, những người bạn chân tình của doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam". FPT Nhật Bản - doanh nghiệp CNTT nước ngoài lớn nhất tại đây - đóng vai trò kết nối và tổ chức cuộc gặp này.

Thủ tướng cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi diện mạo thế giới, cũng như thay đổi cách con người sống, làm việc và phát triển. Trong xu thế đó, Việt Nam cũng đang chuyển dần động lực tăng trưởng sang các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến và lao động chất lượng cao.

thu-tuong-de-nghi-nhat-ho-tro-viet-nam-trong-cach-mang-40

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi gặp sáng nay tại Nhật Bản. Ảnh: VGP

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Việt Nam có lợi thế và tiềm năng phát triển CNTT. Năm 2015, Việt Nam nằm trong top 10 châu Á - Thái Bình Dương và top 30 thế giới về gia công phần mềm. Bên cạnh đó, khoảng 60% dân số dưới 35 tuổi có khả năng tiếp cận nhanh công nghệ mới. Số người sử dụng Internet cũng chiếm một nửa dân số hiện tại.

Thủ tướng cho biết ưu tiên của Việt Nam hiện tại là đầu tư hạ tầng thông tin, kết nối số, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm an toàn thông tin, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ số…. Vì vậy, ông kỳ vọng các công ty Nhật đầu tư vào các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phát triển con người.

thu-tuong-de-nghi-nhat-ho-tro-viet-nam-trong-cach-mang-40-1

Thủ tướng muốn các công ty Nhật tăng đổ vốn vào lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam. Ảnh: VGP

Tại buổi gặp, các doanh nghiệp Nhật cũng cho biết đã đạt nhiều thành công khi hoạt động ở Việt Nam và cam kết nỗ lực phát triển quan hệ hợp tác 2 nước. Dù vậy, họ cũng nêu ra nhiều thách thức khi kinh doanh, như hệ thống pháp lý hay hợp tác công - tư (PPP) hay trần sở hữu nước ngoài.

Đáp lại, Thủ tướng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Ông kỳ vọng các công ty Nhật Bản tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam trong các lĩnh vực họ có thế mạnh.

Hiện tại, Nhật là quốc gia viện trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, đối tác lớn thứ ba về du lịch và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Đến hết năm 2016, Nhật có hơn 3.200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 42 tỷ USD.

Hà Thu (theo VGP)

Lượt xem: 1,128