You are here

Đầu tư bệnh viện: Lỗ nhiều hơn lãi

Đầu tư bệnh viện: Lỗ nhiều hơn lãi

Đầu những năm 2000, đầu tư bệnh viện tư nhân và phòng khám quốc tế bắt đầu phát triển mạnh tại nhiều thành phố lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thời gian gần đây, nhiều bệnh viện tư nhân gặp phải tình trạng đầu tư lớn nhưng hiệu suất sử dụng thấp, lượng khách thưa vắng khiến doanh thu không đủ bù đắp chi phí thuốc men, nhân sự và khấu hao trang thiết bị. Thậm chí, một số bệnh viện phải tuyên bố ngừng hoạt động hoặc sang tay cho chủ mới.

Điển hình như trường hợp của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Phúc An Khang xảy ra vào cuối tháng 4 năm nay. Đây là mô hình bệnh viện đầu tiên được chuyển đổi công năng từ chung cư cao cấp, có quy mô 500 giường bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế. Sau hơn 2 năm hoạt động kém hiệu quả và khả năng tài chính không đảm bảo, đơn vị này đã gửi công văn đến Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM, Trung tâm cấp cứu 115… để thông báo về việc ngừng hoạt động. Tại thời điểm đó, bệnh viện ghi nhận lỗ lũy kế trên 60 tỷ đồng chưa bao gồm lãi vay ban đầu.

dau-tu-benh-vien-tu-nhan-noi-lao-dao-nguoi-lai-dam

Bệnh viện tư nhân lao đao vì đầu tư lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả, thu không đủ bù chi. Ảnh: Trần Ngoan.

Ông Mai Tiến Dũng, Giám đốc bệnh viện từng cho biết, doanh thu mỗi tháng của bệnh viện khoảng 3 tỷ đồng. Khoản tiền này đủ xoay xở trả lương nhân viên, nhưng còn chi phí mua thuốc và khấu hao thiết bị thì phải bỏ thêm vốn ra trước mới nhập hàng được. “Áp lực từ khoản lãi vay ban đầu để xây dựng hạ tầng có thể là nguyên nhân chính khiến bệnh viện đóng cửa”, ông Dũng nhận định.

Trong vòng 3 tháng kể từ khi đóng cửa, chủ đầu tư bệnh viện dự kiến bán toàn bộ máy móc với giá trị 200 tỷ đồng và nhiều tài sản khác để thanh toán dứt điểm nợ lương. Hơn 4.000 người đã đăng ký thẻ bảo hiểm y tế tại đây cũng được tạo điều kiện chuyển đến các bệnh viện cùng tuyến quận huyện khác để khám chữa bệnh.

Tương tự Phúc An Khang, cách đây vài năm, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ (quận Tân Phú) đã âm thầm rút khỏi ngành sau hàng loạt bê bối. Trong đó, sự việc lớn nhất là đơn vị này trở thành đối tượng khiếu kiện của 30 chủ nợ cho vay gần 120 tỷ đồng, nhưng không trả lãi đầy đủ, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Sau khi đóng cửa, nhiều chủ nợ đã thu giữ trang thiết bị chữa bệnh, biến mặt bằng nơi đây thành bãi giữ xe.

Dù chưa đến mức phải ngừng hoạt động, nhưng Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vũ Anh (quận Gò Vấp) cũng đang hoạt động cầm cự và mời gọi liên doanh, liên kết để vực dậy tình hình kinh doanh ảm đạm sau khi chủ đầu tư bị tố lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào giữa năm 2013. Trước đó, bệnh viện này từng được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá ở phân khúc dịch vụ y tế cao cấp với mô hình như khách sạn 5 sao, đầu tư bài bản và chế độ lương thưởng hấp dẫn để thu hút nhiều bác sĩ tay nghề cao.

Trao đổi với VnExpress, TS.BS Võ Xuân Sơn, Giám đốc Phòng khám Đa khoa Quốc tế EXSON (TP HCM) cho biết, khó khăn của bệnh viện tư nhân đến từ nhiều yếu tố nhưng trước hết là do phân biệt công tư, như cơ chế không công bằng trong xếp hạng bệnh viện, thái độ ứng xử trong quản lý giữa bệnh viện tư nhân và bệnh viện công lập… Điều này khiến cơ sở y tế tư nhân hoạt động rất bấp bênh, những nhân viên y tế giỏi cũng vì thế không muốn phục vụ lâu dài.

“Giá dịch vụ của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được tính toán dựa trên giá vật tư, nhân công, chi phí thuê mặt bằng, khấu hao máy móc… Nguồn thu có thể ổn định, nhưng chắc chắn biên lợi nhuận rất thấp. Trong khi đó, y tế công lập tiết kiệm được nhiều khoản như mặt bằng, thuế thu nhập theo luật doanh nghiệp nên sự chênh lệch vô cùng lớn”, ông Sơn nói và cho biết riêng với phòng khám EXSON, chi phí đầu tư ban đầu ước tính khoảng 50 tỷ đồng, vừa sinh lãi sau 7 năm hoạt động thì cũng đến giai đoạn tái đầu tư.

Bên cạnh đó, vấn đề về quản lý tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cũng khiến chủ đầu tư đau đầu. Phần lớn lãnh đạo bệnh viện hiện nay đều xuất thân là y bác sĩ, do đó khi trực tiếp điều hành và giải quyết những vấn đề như tài chính, tái đầu tư, xây dựng thương hiệu… cũng phát sinh không ít khó khăn.

Trái ngược với tình hình ảm đạm của đa số bệnh viện tư nhân, thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện một số cơ sở khám chữa bệnh đặt dưới sự quản lý của những tập đoàn đa ngành, tiềm lực tài chính vững vàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt bậc.

Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng hệ thống bệnh viện, phòng khám đa khoa quốc tế Vinmec của Tập đoàn Vingroup lại có tốc độ tăng trưởng ấn tượng về doanh thu, lợi nhuận lẫn số lượng cơ sở khám chữa bệnh. Năm 2016, mảng y tế đóng góp 1.093 tỷ đồng vào tổng doanh thu của tập đoàn, tương đương 1,86% và tăng 42% so với năm trước.

Hiện hệ thống Vinmec có 5 bệnh viện, phòng khám với tổng cộng 1.200 giường bệnh. Theo kế hoạch phát triển đến năm 2020, Vinmec đặt mục tiêu có 10 bệnh viện chất lượng cao và thành lập trường Đại học Y Vinmec. Lãnh đạo tập đoàn mới đây đã cho biết, toàn bộ lãi từ mảng y tế sẽ sử dụng để tái đầu tư nhằm phát triển nguồn nhân lực, nâng cấp cơ sở vật chất và tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, liên kết quốc tế. Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM, dù lĩnh vực này mang lại nguồn thu lớn nhưng việc chuyển sang hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận chính là điểm cộng thu hút khách hàng mua nhà tiềm năng tại các dự án của tập đoàn.

Bệnh viện Tim Tâm Đức cũng là một trường hợp tương tự nằm ngoài vòng xoáy thua lỗ, nợ nần nhờ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần, bộ máy tổ chức tinh gọn và nguồn vốn đầu tư lớn. Đơn vị này liên tiếp ghi nhận kết quả tài chính tăng trưởng dương từ khi hoạt động từ đầu năm 2006 đến nay.

Báo cáo thường niên năm qua cho thấy, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của bệnh viện lần lượt đạt xấp xỉ 482  tỷ và 57 tỷ đồng. Dự kiến tỷ lệ chia cổ tức năm nay lên đến 30%. Dù là bệnh viện chuyên khoa nhưng mỗi năm Tim Tâm Đức tiếp nhận hơn 91.000 lượt khám chữa bệnh. Đây là bệnh viện tư nhân duy nhất góp mặt trong danh sách 4 trung tâm chuyên khoa tim có số ca phẫu thuật nhiều nhất cả nước.

Theo thống kê của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, hiện cả nước có trên 170 bệnh viện tư  với khoảng 45.000 giường bệnh nội trú.

Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch & Đầu tư soạn thảo cho thấy, dư địa phát triển của dịch vụ y tế tư nhân còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh tổng chi tiêu cho y tế đang chiếm đến 5,8% GDP, cao nhất so với các nước trong khu vực và dự báo duy trì ổn định trong vòng 20 năm tới nhờ lộ trình xã hội hoá y tế.

Phương Đông

Lượt xem: 1,880