You are here

HoREA: 'Cần thận trọng khi đánh thuế căn nhà thứ hai'

HoREA: 'Cần thận trọng khi đánh thuế căn nhà thứ hai'

Đầu tháng 11/2016, HoREA vừa có văn bản đóng góp ý kiến về việc đánh thuế người sở hữu căn nhà thứ hai. Chủ tịch Lê Hoàng Châu cho biết, sắc thuế này sẽ góp phần giúp cho thị trường bất động sản phát triển bền vững, phòng chống đầu cơ và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Một kịch bản tích cực hơn, việc đánh thuế căn nhà thứ hai còn hướng các nhà đầu tư thứ cấp đi vào lựa chọn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thay vì kinh doanh cá thể như hiện nay.

Mặt khác, ông Châu nhận định: "Hạn chế đầu cơ bất động sản, tránh bong bóng cho thị trường bằng cách thu thuế là giải pháp tốt, tuy nhiên cũng cần cân nhắc, thận trọng khi thực hiện". Chuyên gia này chỉ ra 9 điểm nhấn cần lưu ý khi lập đề án dự thảo liên quan đến sắc thuế này.

horea-can-than-trong-khi-danh-thue-can-nha-thu-hai

HoREA kiến nghị Bộ Tài chính thận trọng khi nghiên cứu dự thảo đề án đánh thuế người sở hữu căn nhà thứ hai trở đi. Ảnh: K.H

Thứ nhất, hiện Việt Nam chỉ mới đánh thuế sử dụng đất ở (0,03% bảng giá nhà nước, lũy tiến cao nhất là 0,15%), chưa đánh thuế tài sản nhà ở. Khung giá đất của nhà nước chỉ bằng khoảng 30-40% giá thị trường nên nguồn thu mang về cho ngân sách rất thấp.

Thứ hai, tình trạng khá phổ biến là giá trên hợp đồng chuyển nhượng thường thấp hơn giá của nhà nước, khiến nhà nước thất thu thuế đất rất lớn.

Thứ ba, lưu ý đánh thuế nhắm vào diện tích căn nhà để đảm bảo công bằng. Tránh để xảy ra trường hợp sở hữu nhiều nhà diện tích nhỏ bị đánh thuế trong khi người sở hữu một căn nhà diện tích dăm ba trăm m2 không bị thu thuế.

Thứ tư, không thu thuế này đối với các hộ gia đình dù đã có một căn nhà nhưng đang ở chật (đối với TP HCM dưới mức bình quân 10 m2 mỗi người) nay mua thêm nhà thứ 2, thứ 3... nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này cũng chỉ dưới 200 m2.

Thứ năm, không thu thuế này đối với nhà ở xã hội; nhà ở tái định cư; nhà ở thương mại có giá trị dưới một tỷ đồng; nhà cấp 4 trở xuống.

Thứ sáu, trong giai đoạn đầu nên áp dụng mức thuế suất vừa phải, phù hợp với sức dân. Có thể nghiên cứu cách thu thuế tài sản nhà ở tại nhiều nước phát triển: Mỹ, Anh, Nhật, Hàn Quốc... để áp dụng thận trọng đối với thị trường bất động sản Việt Nam.

Thứ bảy, đối với người có từ căn nhà thứ 2 trở đi thì áp dụng thuế suất tài sản phụ trội tùy theo số lượng và giá trị tài sản.

Thứ tám, cần hoàn thành nhanh việc cấp "sổ đỏ" cho các bất động sản nhà ở.

Thứ chín, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia, trong đó có cơ sở dữ liệu nhà ở quốc gia, liên thông các ngành, các tỉnh và được cập nhật theo thời gian thực. Song song đó, phải hoàn thành cấp thẻ căn cước công dân, xác định mã số định danh cá nhân, để biết rõ người đang sở hữu nhà ở.

Vũ Lê

Lượt xem: 806