You are here
Lãnh đạo Chứng khoán Kim Long xin 'khai tử' công ty
Lãnh đạo Chứng khoán Kim Long xin 'khai tử' công ty
Công ty Chứng khoán Kim Long (Mã CK: KLS) vừa phát đi tài liệu họp Đại hội cổ đông năm 2016, trong đó có tờ trình về việc giải thể. Theo đó, Hội đồng quản trị công ty sẽ xây dựng các phương án chi tiết để thực hiện các thủ tục giải thể và hủy niêm yết cổ phiếu KLS trên sàn HNX.
Công ty chứng khoán Kim Long xin giải thể. |
Sau nhiều thông tin đồn đoán về việc sáp nhập với Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), quyết định của Kim Long khiến cổ đông và nhà đầu tư trên thị trường bất ngờ bởi những khó khăn mà doanh nghiệp này gặp phải được đánh giá là chưa đến mức phải giải thể. Trong quá khứ, công ty từng lỗ kỷ lục 347 tỷ đồng năm 2008 do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, song Kim Long vẫn có thể vượt qua.
Năm 2015, cổ phiếu dầu khí đã khiến Kim Long thua lỗ 68 tỷ đồng, cổ phiếu KLS rơi vào diện cảnh báo. Kết thúc quý I/2016, công ty đã chuyển lỗ thành lãi 4 tỷ đồng nhưng Hội đồng quản trị vẫn quyết định "khai tử" doanh nghiệp với mục đích được thông báo là để bảo toàn tài sản.
Kim Long cũng lên kế hoạch chi tiết phương án giải thế công ty. Theo đó, cổ đông phản đối việc giải thể được quyền yêu cầu mua lại cổ phiếu với giá tham chiếu trên HNX trong khoảng 10.600-11.200 đồng.
Với chính sách phân chia tài sản như trên, Chủ tịch Kim Long là ông Hà Hoài Nam sở hữu 17,7 triệu cổ phần sẽ thu về tối thiểu 188 tỷ đồng. Thành viên Hội đồng quản trị Phạm Tấn Huy Bằng cũng dự kiến thu về từ tối thiểu 104 tỷ đồng. Quỹ Market Vectors Vietnam ETF sở hữu 10 triệu cổ phiếu cũng thu về tối thiểu 106 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3, công ty có tổng tài sản 2.301 tỷ đồng, tiền mặt là 627 tỷ đồng. Sau khi thanh lý, công ty dự định giữ lại được 80-90% tổng tài sản, tức khoảng 1.900-2.000 tỷ đồng. Đối với các chủ nợ, Kim Long sẽ làm việc để tiến hành quyết toán. Hiện công ty có tổng nợ chỉ khoảng 112 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, nguyên nhân dẫn đến quyết định "khai tử" cho Kim Long là kết quả kinh doanh năm 2015 công ty lâm vào thua lỗ. Hiện Kim Long chủ yếu giữ tiền mặt và các khoản đầu tư cổ phiếu niêm yết. Khi giải thể, cổ đông sẽ nhận được giá trị cao hơn giá cổ phiếu KLS trên thị trường. Năm 2013-2014, Kim Long lần lượt lãi 138 tỷ và 145 tỷ đồng nhưng kết quả này vẫn chưa cao hơn các công ty khác trên thị trường.
Bên cạnh đó, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn còn tương đối nhỏ trong khi có quá nhiều tổ chức kinh doanh chứng khoán cùng tham gia hoạt động. Vì vậy cạnh tranh trong các hoạt động dịch vụ chứng khoán rất quyết liệt và thị phần chủ yếu thuộc về các công ty lớn. Nếu Kim Long muốn gia tăng thị phần trong các hoạt động nghiệp vụ thì phải chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn, có thể dẫn đến thất thoát nguồn lực và thiệt hại cho các cổ đông.
"Là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, các công ty chứng khoán phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ của pháp luật nhằm đảm bảo tính an toàn của cả hệ thống tài chính. Các quy định này có mục tiêu hạn chế rủi ro và ngăn chặn những phản ứng dây chuyền trên thị trường nhưng lại khiến cho các công ty chứng khoán không thể thực hiện các khoản đầu tư lớn, lâu dài và mang tính chi phối trong các doanh nghiệp mục tiêu. Vì vậy khả năng kiểm soát các khoản đầu tư dài hạn có nhiều hạn chế", lãnh đạo công ty nhận định
Trong năm qua, nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của công ty đã được tận dụng tối đa cho mục đích sinh lợi trên thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức lãi suất huy động của ngân hàng từ các tổ chức kinh tế luôn luôn thấp hơn lãi suất trả cho các cá nhân.
Quyết định giải thể của Kim Long khiến không ít nhà đầu tư tiếc nuối khi trải qua 10 năm giao dịch, công ty đã có hơn 10.811 tài khoản, trong đó có 3 tài khoản là quỹ đầu tư.
Đây không phải lần đầu tiên ông lớn chứng khoán này có ý định giải thể. Năm 2011, sau nhiều ý kiến chỉ trích về kế hoạch án binh bất động - đem 1.800 tỷ đồng đi gửi ngân hàng, Kim Long đã có ý định chuyển đổi mô hình sang công ty đầu tư. Tuy nhiên, kế hoạch này đã đổ bể do không được cổ đông thông qua.
Chứng khoán Kim Long được thành lập năm 2006 với vốn điều lệ 18 tỷ đồng đến nay đã tròn 10 năm, vốn điều lệ của công ty đã tăng 2.025 tỷ đồng và lọt top 3 công ty lớn nhất thị trường.
Bạch Dương