You are here

Công ty Trung Quốc thắng kiện vụ bao cao su mỏng nhất thế giới

Công ty Trung Quốc thắng kiện vụ bao cao su mỏng nhất thế giới

Tuần qua, một tòa án cấp quận thuộc Quảng Châu (Trung Quốc) đã yêu cầu công ty sản xuất bao cao su của Nhật - Okamoto phải ngừng quảng cáo sản phẩm của mình là loại bao cao su mỏng nhất thế giới. Đồng thời, họ phải thu hồi hết các sản phẩm có bao bì ghi như vậy, China News cho biết.

Tòa cho rằng hành động của Okamoto là "vi phạm nguyên tắc trung thực trong kinh doanh và ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng cạnh tranh" của bao cao su Aoni. Đây là sản phẩm của Guangzhou Daming United Rubber Product - nguyên đơn trong vụ kiện này.

Doanh số bao cao su Okamoto gần đây tăng vọt, một phần do lượng khách Trung Quốc sang Nhật du lịch ngày càng nhiều, mang theo về loại bao cao su siêu mỏng này.

cong-ty-trung-quoc-thang-kien-vu-bao-cao-su-mong-nhat-the-gioi

Một sản phẩm của Daming được quảng cáo trong buổi họp báo năm 2014. Ảnh: AP

Trong khi đó, Daming thành lập năm 1992 và tới nay đã bán ra 7 tỷ chiếc bao cao su. Công ty này đệ đơn kiện Okamoto vào tháng 9/2014, sau khi được xác nhận ký lục Guinness bao cao su mỏng nhất thế giới với sản phẩm Aoni hồi tháng 12/2013. Độ dày trung bình của Aoni là 0,036 mm, trong khi của Okamoto là 0,038 mm.

"Chúng tôi chấp nhận quyết định và không có ý định kháng cáo", phát ngôn viên của Okamoto cho biết. Công ty đã bắt đầu gỡ bỏ bao bì với dòng chữ "mỏng nhất thế giới" ngay sau công bố của Guinness. Tuy nhiên, một vài sản phẩm đã vô tình bị sót lại.

Tòa án ra lệnh Okamoto chỉ phải bồi thường 1 NDT cho Daming. Đây là yêu cầu từ phía nguyên đơn, do hành vi vi phạm này cũng không quá ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của họ.

Phát ngôn viên của Daming cho biết họ rất hài lòng với kết quả này, bởi "nó giúp người tiêu dùng biết được sự thật". Cô cho biết thêm vụ kiện này nhằm "thanh lọc thị trường và cho người tiêu dùng quyền được biết thông tin". Eric Au - một luật sư ở Hong Kong (Trung Quốc), cho biết phán quyết của tòa án Quảng Châu sẽ có hiệu lực trên cả nước.

Dù vậy, trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhiều người đã gọi vụ kiện của Daming là một chiêu trò PR. "Đây đúng là cách quảng cáo tuyệt vời; rất nhiều người chưa từng nghe tới thương hiệu này", một người cho biết.

Một vài người khác lại ủng hộ chất lượng của hàng Nhật, cho biết họ cảm thấy an toàn khi dùng sản phẩm của Okamoto. Một khách hàng từng dùng bao cao su của Daming tiết lộ: "Tôi đã ngừng sử dụng loại này vì nó rất nhỏ và dễ rách".

Hà Tường (theo WSJ)

Lượt xem: 1,065