You are here

Vòng luẩn quẩn khi vay hàng tỷ USD cứu ngân sách

Vòng luẩn quẩn khi vay hàng tỷ USD cứu ngân sách

Là đề tài luôn được dư luận quan tâm tại mỗi kỳ họp Quốc hội, song năm nay, tình trạng căng thẳng của túi tiền quốc gia dường như lại được đẩy lên cao hơn sau nhiều sự kiện cho thấy Chính phủ đang phải xoay xở nhiều cách để cân bằng ngân khố, tìm nguồn đầu tư phát triển cũng như chi thường xuyên.

Trong phiên thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội tuần trước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh một lần nữa đau đáu về thực trạng này. Theo ông, sau khi bù trừ các khoản, ngân sách trung ương năm 2016 chỉ còn 45.000 tỷ đồng. "45.000 tỷ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả", ông nói.

Quả thực, câu hỏi "lấy tiền đâu để chi" là vấn đề nhức nhối thường trực. Giá dầu thô thế giới diễn biến khó lường, xuất khẩu nông sản thụt lùi, thu thuế nhập khẩu trong xu thế giảm khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do... là gánh nặng lên đầu vào của ngân sách.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tổng thu ngân sách trong quý III/2015 đạt 236.900 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ thu so với GDP chỉ đạt 22%, thấp hơn so với các quý đầu năm và tương đương cùng kỳ năm 2014. Điều này cho thấy tốc độ tăng thu chậm lại so với đà phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Tỷ lệ thu ngân sách so với GDP

vong-lun-qun-khi-vay-hang-ty-usd-cuu-ngan-sach

Đơn vị: %. Nguồn: Báo cáo CIEM

Kênh phát hành trái phiếu vốn được coi là "cứu cánh" để bù đắp hụt thu nhưng cũng gặp nhiều thách thức. Giá trị phát hành trái phiếu Chính phủ trong quý III đạt gần 21.500 tỷ đồng, tăng 13% so với quý II nhưng giảm tới hơn 60% so với cùng kỳ 2014. Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) đánh giá kế hoạch phát hành 250.000 tỷ đồng trong năm 2015 gặp nhiều trở ngại, xuất phát từ kỳ hạn trái phiếu không phù hợp, lạm phát thấp, thanh khoản tốt... khiến nhà đầu tư không "mặn mà" nắm giữ loại giấy tờ có giá này.

Trước bối cảnh trên, những giải pháp tình thế để huy động nguồn lực cho ngân sách đã được tính tới, mà dự kiến số huy động có thể lên tới gần 5,5 tỷ USD. Cụ thể, quý III/2015, ngân sách đã vay 30.000 tỷ đồng (1,3 tỷ USD) từ Ngân hàng Nhà nước để bù đắp thanh khoản, với điều kiện phải hoàn trả trong năm. Bên cạnh đó, khoản phát hành trái phiếu ngoại tệ trị giá 1 tỷ USD cho Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cũng đã được giải ngân.

vong-lun-qun-khi-vay-hang-ty-usd-cuu-ngan-sach-1

Sau khi huy động các nguồn vốn trong nước, Chính phủ đang tính tới phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu danh mục nợ.

Liên quan đến hơn 363.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2015-2016 mà các nguồn tài chính trong nước đã huy động tối đa, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu quốc tế, trước mắt là bán 3 tỷ USD, về trung - dài hạn sẽ tiếp tục phát hành để tái cơ cấu nợ và bù đắp thiếu hụt nguồn vốn nước ngoài khi các khoản vay ưu đãi giảm sút.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các biện pháp hiện có chỉ mang tính tức thời và còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, việc phát hành một tỷ USD trái phiếu cho Vietcombank có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường ngoại tệ: tại thời điểm phát hành, thời điểm giải ngân cũng như khi đáo hạn. Khoản vay ngắn hạn 30.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước giúp giảm áp lực trong quý III, song có thể dồn thêm căng thẳng cho ngân sách vào quý IV, nhất là trước thời điểm hoàn trả. 

Ông Trần Anh Dương - Phó trưởng ban Kinh tế vĩ mô (CIEM) nhận định ngân sách không thể phụ thuộc mãi vào phát hành trái phiếu, vay nợ mới để tái cơ cấu nợ cũ. Theo vị này, Bộ Tài chính vay của Vietcombank, vay cả Ngân hàng Nhà nước, nhưng hoàn trả thế nào khi đến hạn lại là bài toán "loay hoay" và "luẩn quẩn", nhất là khoản vay 30.000 tỷ đồng đến hạn vào cuối năm nay, khi nợ công dự kiến lên 63% GDP, bố trí cho chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển còn khó khăn.

"Bản thân các hoạt động vay mang tính tình thế vì nợ công đã gần ngưỡng tối đa cho phép. Tăng thu ngân sách khó giúp giải quyết tình trạng căng thẳng, thậm chí còn ảnh hưởng bất lợi đến đà phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế", phía CIEM cho hay.

Để giải quyết sâu xa những tồn tại của ngân sách, CIEM cho biết điểm quan trọng là phải đảm bảo kỷ luật chi ngân sách. Nếu thiếu sự quyết liệt trong cắt giảm chi ngân sách, áp lực điều hành tài khóa vẫn còn căng thẳng trong quý IV/2015 và có thể cả các năm tiếp theo.

Động thái mới đây là Chính phủ đã tính đến việc siết mua sắm, sử dụng xe công, mà theo ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), có thể giúp ngân sách tiết kiệm khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm.

Cơ quan này tính toán cả nước hiện có gần 40.000 xe ôtô công, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước. Chi phí sử dụng một xe trung bình khoảng 320 triệu đồng mỗi năm, nên ước tính mỗi năm, chi phí để nuôi xe công có thể ngốn 12.800 tỷ đồng, chưa phù hợp trong cảnh ngân sách còn khó khăn.

Huyền Thư

Lượt xem: 1,402