You are here
Bài học thất bại của ông chủ hãng tranh kính nghệ thuật
Bài học thất bại của ông chủ hãng tranh kính nghệ thuật
Năm 2003, khi đang theo học chuyên ngành vẽ tranh Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, anh Dương Quốc Việt (sinh năm1982) quê Tuyên Quang đã có cơ hội tiếp xúc với kính trang trí khi phụ giúp một người anh khóa trên thực hiện luận văn tốt nghiệp.
"Chỉ vài ngày theo anh bạn xuống xưởng mình đã say mê với họa tiết trên vật liệu kính, dù khi đó, sản phẩm kính trang trí rất đơn giản. Cũng từ lúc này mình đã ấp ủ giấc mơ có một xưởng sản xuất riêng", anh kể lại.
Dù không còn công nhân làm việc, song vị giám đốc trẻ vẫn một mình tìm mọi cách giữ xưởng. |
Tốt nghiệp sau đó 2 năm, eo hẹp về tài chính cũng như kinh nghiệm, biết chưa thể mở xưởng độc lập dù sẵn thừa đam mê và hoài bão. Chàng trai trẻ xứ Tuyên quyết định xin làm thuê tại một cơ sở sản xuất kính xây dựng. Anh cho biết dù chỉ là kính dùng cho các công trình xây dựng đơn thuần, song đây là quãng thời gian để anh có cơ hội hiểu, biết thêm về sản phẩm đặc thù này. Đặc biệt việc trực tiếp đi lắp đặt tại các công trình đã giúp anh có thêm kinh nghiệm và kỹ năng mà theo anh "không phải ai cũng có thể dạy".
Anh chia sẻ may mắn nhất với một công nhân như anh khi đó, là ông chủ xưởng phần nào hiểu được hoài bão của anh đối với kính trang trí. Ông sẵn sàng ủng hộ để anh được vẽ lên một số sản phẩm đầu tiên. "Khi đó các sản phẩm rất thô sơ về kỹ thuật cũng như thẩm mỹ. Khi chế tác bị hỏng khá nhiều. Song mình luôn tự nhủ đây là sản phẩm mới và độc đáo, phải kiên trì mày mò", anh nói.
Làm thuê 2 năm, đầu 2007, sau khi vay mượn bố mẹ và bạn bè được 60 triệu đồng, anh thuê mặt bằng hơn 60 m2 tại Đông Ngạc (Hà Nội) khai trương xưởng sản xuất tranh kính của riêng mình. Anh cho hay khác với vẽ một bức tranh thông thường, loại tranh mới này có nhiều công đoạn và thực hiện theo một quy trình khép kín, một mình thể làm xuể, nên dù khá chật vật, anh vẫn dành một khoản tiền để thuê 3 công nhân hỗ trợ.
Anh kể, thời gian đầu, các mối hàng chủ yếu là khách quen, bạn bè ủng hộ, rất ít khách hàng vãng lai. Cuối năm đó, đơn hàng thưa thớt dần và liên tiếp nhiều tháng xưởng không có bất kỳ một đơn hàng mới.
"Khi quay lại tìm hiểu mình mới biết sai lầm lớn nhất khi quyết định kinh doanh là không chọn thời điểm đúng. Năm 2007-2008 nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng tiền tệ, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, phần lớn người tiêu dùng chưa hiểu hết những lợi thế của sản phẩm tranh kính, nên xưởng rơi vào tình trạng không có doanh thu triền miên", anh nói.
Không muốn đam mê, tâm huyết của mình phải dang dở khi mới chỉ bắt đầu, anh vay mượn thêm từ nhiều nguồn để trả lương công nhân chỉ nhằm tập trung nghiên cứu các sản phẩm mới, hoàn thiện hơn về thẩm mỹ. "Thậm chí, đến lúc không còn ai để vay, mình phải dùng cả những đồng lương ít ỏi của vợ để cầm cự duy trì xưởng", vị giám đốc trẻ bộc bạch. Giữa năm 2008, khi đã cố gắng hết khả năng, anh buộc phải cho công nhân nghỉ việc, song vẫn giữ lại máy móc, thiết bị và chuyển xưởng đến khu vực khác.
"Một kỷ niệm mình rất nhớ là một đêm trời mưa rất to, xưởng bị ngập toàn bộ, một mình mình loay hoay để che chắn thiết bị, giữ nguyên vật liệu làm tranh không bị ướt. Lúc đó mình thật sự rất thất vọng về bản thân. Mình đã thức trắng cả đêm để suy nghĩ lại về con đường khởi nghiệp của mình. Nhưng mình đã kịp chấn tỉnh và quyết tâm phải tìm mọi cách để xưởng hoạt động trở lại", anh chia sẻ.
Ngay sáng hôm sau, anh lên internet để tra cứu lại toàn bộ thông tin về lĩnh vực đang kinh doanh cũng như tìm đọc những bài học, thành công thất bại từ các gương khởi nghiệp đi trước. Và anh lại tiếp tục nhận ra thêm thiếu sót của mình, đó là dành quá nhiều thời gian để tạo dựng quy mô xưởng mà không tính đến việc marketing, quảng bá sảm phẩm.
Với số tiền ít ỏi còn lại, anh đã đăng thử thông tin sản phẩm trên mục rao vặt của một số tờ báo. Không ngờ vài ngày sau, anh nhận được một số cuộc gọi khách hàng muốn tìm hiểu thông tin sản phẩm. Nhờ vậy, anh bắt đầu có khách hàng mới, dần dần lượng khách đều đặn hơn và công nhân cũng được thuê làm để kịp tiến độ. Khi bắt đầu có nguồn thu, rút kinh nghiệm từ trước đó, anh đã đầu tư tiền để lập một web cho công ty để quảng bá thương hiệu trên các kênh online mỗi khi có các dòng sản phẩm mới ra đời.
Trần nhà làm từ tranh kính, một trong những sản phẩm của cơ sở được ưa chuộng hiện nay. |
Sau 7 năm lập nghiệp, với 5 lần chuyển địa điểm, từ mặt bằng vài chục m2 đến nay xưởng sản xuất của anh có diện tích gần 200m2. Mỗi tháng, cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 50-60 m2 tranh với giá bình quân 2-4 triệu đồng mỗi m2 tùy loại tranh tường, vách, trần..., cho doanh thu vài trăm triệu đồng một tháng. Ngoài đảm bảo thu nhập cho 10 công nhân thường xuyên anh còn tích lũy để tái đầu tư. Khách hàng của công ty, hiện không chỉ là cá nhân mà đã mở rộng đến các chủ đầu tư dự án xây dựng, các chuỗi nhà hàng, khách sạn... tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Nhận định nhu cầu thị trường về sản phẩm trang trí nội thất bằng kính, anh cho biết lĩnh vực sẽ còn phát triển tại Việt Nam thời gian tới bởi không chỉ nhờ sự sôi động của thị trường bất động sản, mà đời sống của người dân đã nâng cao. Đặc biệt, hiệu quả thẩm mỹ của tranh kính mang vừa tạo được không gian mở, vừa lấy sáng tự nhiên... rất phù hợp với xu hướng thiết kế hiện đại.
Hiện trên thị trường bắt đầu có nhiều cơ sở sản xuất tương tự, xưởng của anh phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Dù vậy, anh cho rằng đó là quy luật chung và cũng là cơ hội để có những dòng sản phẩm mới ra đời phù hợp với thị hiếu. Song, để có thể đứng vững, theo anh, ngoài đường nét điêu khắc tạo hình hoàn thiện, tinh tế điều quan trọng nhất mỗi sản phẩm là tinh thần của người vẽ thể hiện được sở thích, thói quen của mỗi khách hàng.
Với anh Việt, dù là đồ nội thất trang trí song tranh kính vẫn là một tác phẩm nghệ thuật, nên đòi hỏi mỗi họa sĩ không ngừng sáng tạo. do vậy, anh luôn cập nhật các xu hướng trên thế giới để hoàn thiện sản phẩm. Bên cạnh đó, việc quảng bá cũng sẽ được vị giám đốc trẻ dành ưu tiên để sản phẩm có thể mở rộng đến các chi nhánh toàn quốc.
Thành Tâm