You are here

Ngành dệt may đề xuất tăng lương tối thiểu 6%

Ngành dệt may đề xuất tăng lương tối thiểu 6%

Tại Họp báo về việc tăng lương tối thiểu chiều 3/8, Tổng thư ký Trương Văn Cẩm cho biết Hiệp hội đã có văn bản đề xuất lên Hội đồng Tiền lương quốc gia về đề xuất tăng lương tối thiểu 2016. Theo đó, lương tối thiểu các vùng dự tăng 150.000-200.000 đồng mỗi mức, tức là tăng 6% so với mức hiện có. Đây cũng là mức khá thấp hơn so với các đề xuất trước đó.

Theo vị này, ngành dệt may không chỉ đóng góp kim ngạch xuất khẩu cho nền kinh tế mà đang giải quyết công ăn việc làm cho gần 3 triệu lao động. Song, các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều sức ép cạnh tranh về đơn hàng, trong khi giá điện, than, phí và phụ phí cảng và tàu biển đều tăng. Đặc biệt, tính từ 2010 đến nay tiền lương tối thiểu vùng đã tăng 2,2 – 2,3 lần.

"Đây là mức tăng cao và nhanh. Với tốc độ tăng tiền lương như vậy sẽ khó thu hút nhà đầu tư rót vốn vào ngành nhất tại các vùng nông thôn bởi tay nghề, năng suất lao động còn hạn chế", ông nói. Do vậy, theo ông Cẩm, làm thế nào tăng lương thối thiểu đảm bảo được cuộc sống cho người lao động, doanh nghiệp ổn định và thu hút nhà đầu tư vào mới là thành công.

detmay-3391-1438605066.jpg

Hiệp hội Dệt may cho rằng mức lương tối thiểu hiện đã đáp ứng trên 90% mức sống người lao động.

Lãnh đạo ngành dệt may cho biết hiện vẫn có nhiều tranh cãi trong việc tính toán nhu cầu sống tối thiểu. Việt Nam chỉ dựa vào thông số thực phẩm để tính nhu cầu tối thiểu (một trẻ em bằng 0,7 người lớn). Tuy nhiên, theo cách tính của thế giới, nếu thêm các yếu tố phi lương thực, tỷ lệ phụ thuộc chỉ là 0,5. Điều này, đồng nghĩa với việc lương tối thiểu hiện có đã đáp ứng 94,8% nhu cầu sống tối thiểu, chứ không phải là 80% như hiện nay.

Về tiêu chí lạm phát, ông Cẩm dự báo với chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng qua tăng 0,68%, năm nay lạm phát cả nước sẽ không quá 3%. "Như vậy đề xuất tăng lương tối thiểu không quá 6% của chúng tôi dựa vào mức tăng 3% của CPI, 1% tăng năng suất, dư địa 2% để tăng đến 2018, thì cơ bản mức lương đã đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động", lãnh đạo hiệp hội cho hay.

Ngoài ra, vị Tổng thư ký cho biết việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm đi đôi với tăng tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện, các đơn vị đang phải trích nộp 24% là mức cao. Khi lương thiểu vùng 2016 tăng, mức đóng sẽ tăng lên tương ứng. Đặc biệt, theo luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 2016 thì số tiền sẽ tăng thêm khoảng 30%.  

"Theo chúng tôi, tăng lương tối thiểu vùng ở mức cao và duy trì tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn cao như hiện nay cũng là một nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, trốn hoặc chậm đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động", vị này nhấn mạnh. Do đó, theo vị này, Nhà nước tính toán giảm tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm, kinh phí theo tỷ lệ hợp lý so với các nước trong khu vực hiện nay.

Ngoài ra, theo Hiệp hội, nên giãn thời gian điều chỉnh lương tối thiểu, thay vì hàng năm nên chuyển thành 2 năm một lần sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian lẫn chi phí.

Trước đó, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị tăng lương tối thiểu ở mức trên 10%, để bù được sự mất giá của đồng tiền, vừa phù hợp với nhịp độ tăng năng suất lao động. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu các vùng từ 350.000 đến 550.000 đồng mỗi mức, tương đương mức tăng 16%.

Theo kế hoạch, tháng 10 tới, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp để xây dựng phương án tăng lương tối thiểu vùng trình Chính phủ.

Thành Tâm

Lượt xem: 1,259