You are here

Tiền đồng 'mất giá' vì bánh hamburger

Tiền đồng 'mất giá' vì bánh hamburger

Đầu năm ngoái, McDonald’s đã mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên sau hai thập kỷ tập đoàn đồ ăn nhanh hàng đầu thế giới gia nhập một thị trường Đông Nam Á.

Sau đó ít ngày, tạp chí The Economist cũng nhanh chóng bổ sung tiền đồng vào Big Mac Index của mình. Dựa trên thuyết ngang giá sức mua (PPP), gần 30 năm qua, chỉ số này tính giá Big Mac - loại hamburger phổ biến nhất của McDonald’s tại các quốc gia trên thế giới, để chỉ ra đồng tiền nước đó đang bị định giá cao hay thấp. Nguyên tắc (theo PPP) là trong dài hạn, tỷ giá nên biến động theo hướng khiến giá hai mặt hàng hoặc dịch vụ giống nhau tại 2 nước phải bằng nhau.

Ví dụ, một chiếc bánh Big Mac tại Mỹ hiện có giá 4,79 USD, còn tại Trung Quốc là 2,74 USD theo tỷ giá chính thức. Như vậy, NDT đang bị định giá thấp hơn 43%.

big-mac-JPG-4789-1437121010.jpg

Bảng phân tích giá Big Mac và tỷ giá của tiền đồng so với USD trên Economist.

Tương tự, một chiếc Big Mac tại Việt Nam có giá 60.000 đồng, tương đương khoảng 2,75 USD. Trong khi đó, giá này tại Mỹ là 4,79 USD. Theo Economist, điều này có nghĩa tiền đồng đang bị định giá thấp hơn 42,6% so với đôla Mỹ, lớn hơn thời điểm đầu năm ngoái.

Tỷ giá hiện tại là 21.810 đồng đổi một USD. Nhưng theo PPP với sản phẩm là Big Mac, con số này chỉ là 12.526 đồng.

Tuy vậy, các chuyên gia của Economist cho biết chỉ số này không được tạo ra để làm thước đo chính xác xem giá trị một đồng tiền sai lệch thế nào. Việc này chỉ để các lý thuyết kinh tế dễ hiểu hơn mà thôi. Dù vậy, Big Mac Index đã trở thành chuẩn mực toàn cầu, được đưa vào một số cuốn sách kinh tế và còn là chủ đề của 20 nghiên cứu hàn lâm.

Tại Việt Nam, chỉ số này cũng được giới học thuật tranh luận khá nhiều, nhất là từ khi tiền đồng bắt đầu được đưa vào định giá hồi đầu năm 2014. Trao đổi với VnExpress, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ (Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính) cho rằng chỉ số Big Mac nêu trên chỉ nên được xem là một tài liệu tham khảo, thay vì cơ sở chính thức để định giá đồng tiền.

"Lý thuyết của chỉ số dựa trên cơ sở về một thị trường hoàn hảo. Khi đó giá của một hàng hóa được bán ở mọi nơi với cùng một giá nếu quy đổi theo một đồng tiền. Nhưng thực tế hiện vẫn chưa có thị trường hoàn hảo như vậy", ông nói.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, mức sống cơ bản của con người còn gồm nhiều thứ thiết yếu khác như quần áo, hàng hóa, giao thông, y tế... nên khi cân đong giá cả cần dựa vào một nhóm chỉ số giá của nhiều mặt hàng thay vì chỉ một chiếc hamburger.

Hà Thu - Thanh Lan

Lượt xem: 1,598