You are here

Bill Gates: Muốn kiếm nhiều tiền nên học Đại học

Bill Gates: Muốn kiếm nhiều tiền nên học Đại học

Dưới đây là bài chia sẻ của Bill Gates, người sáng lập đế chế Microsoft.

Mùa xuân này, hơn 2 triệu sinh viên trên cả nước Mỹ sẽ làm việc mà tôi chưa bao giờ được trải nghiệm - đó là tốt nghiệp đại học. Đây là một thành tựu mà tất cả chúng ta nên tự hào. Dù tôi bỏ học và may mắn có được một công việc trong ngành phần mềm, bằng đại học vẫn là con đường chắc chắn hơn nếu muốn thành công.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng tìm được việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn và thậm chí, nhiều nghiên cứu đã cho thấy họ còn sống khỏe mạnh hơn nữa. Họ cũng mang kiến thức và kỹ năng đến lực lượng lao động, giúp nền kinh tế của chúng ta phát triển và duy trì năng lực cạnh tranh. Việc này có lợi cho tất cả mọi người.

Vì vậy, sẽ thật là tệ nếu chúng ta không bổ sung được nhiều người như thế. Khi sinh viên khóa 2015 sắp gia nhập lực lượng lao động, điều mà nhiều người có thể không nhận ra chính là Mỹ đang thiếu hụt nhân lực có bằng đại học.

bill-gates-6319-1433737478.jpg

Bill Gates trong lễ nhận bằng danh dự tại Đại học Harvard năm 2007. Ảnh: CNN

Việc này có vẻ kỳ lạ, đặc biệt khi Mỹ có nhiều người thất nghiệp và làm việc dưới trình độ. Nhưng đến năm 2025, hai phần ba công việc tại Mỹ sẽ đòi hỏi trình độ trên phổ thông. Và Mỹ cũng được dự báo sẽ thiếu 11 triệu lao động có kỹ năng trong 10 năm tới, theo một nghiên cứu của Đại học Georgetown.

Tôi đã có vài cơ hội nói chuyện về vấn đề thiếu hụt kỹ năng với Cheryl Hyman - Hiệu trưởng hệ thống trường đại học City Colleges of Chicago. Chúng tôi gặp nhau lần đầu trong một bữa tối với lãnh đạo ngành giáo dục năm ngoái, và tôi rất ấn tượng với những thành tựu của bà ấy. Lớn lên trong một gia đình nghèo tại Chicago, bà ấy đã có bằng cử nhân khoa học máy tính, dần dần leo lên vị trí lãnh đạo của một công ty trong Fortune 500 và giờ là một trong những lãnh đạo nhiều sáng kiến nhất ngành giáo dục. Từ khi nhậm chức năm 2010, bà ấy đã giúp tăng tỷ lệ tốt nghiệp của trường lên gấp đôi.

Sau buổi gặp đầu tiên, Cheryl còn tới văn phòng tôi để tiếp tục cuộc nói chuyện. Chúng tôi nhận ra vấn đề không nằm ở số người vào đại học ít, mà là số người tốt nghiệp ít. Hơn 36 triệu người Mỹ - khoảng một phần năm người trong độ tuổi lao động đã bỏ ngang việc học.

Tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện về lý do các sinh viên bỏ học. Phần lớn người sinh ra trong gia đình nghèo khổ và thường là người đầu tiên trong nhà đi học đại học. Họ đến trường với hoài bão lớn, muốn tốt nghiệp và kiếm được một công việc lương cao. Nhưng sau đó, tất cả đều vỡ mộng.

Rất nhiều người bỏ học khi nhận ra trường phổ thông chưa trang bị đủ kiến thức cho họ. Một số thì không đủ tiền trang trải học phí. Những người khác thì cảm thấy quá tải khi không có người định hướng. Tất cả đều rời trường với một núi nợ nần và thậm chí cảm thấy thất vọng về bản thân.

Tỷ lệ sinh viên bỏ học cao thường xuất phát từ gia đình nghèo khó. Đây là một mối lo ngại lớn. Nếu không có bằng cấp, họ dễ mắc kẹt trong nghèo khó. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt lao động có tay nghề trên thị trường lại đẩy lương của những người có bằng đại học lên cao, khiến vấn đề bất bình đẳng thu nhập tại Mỹ càng trầm trọng.

Cheryl và tôi đã bàn bạc về việc các trường cần có quy trình chọn lọc ít rắc rối hơn. Sinh viên thường lãng phí thời gian và tín chỉ tham gia các lớp học không giúp họ tốt nghiệp được, do họ không hiểu điều kiện để lấy bằng. Những khóa học online có thể giúp giảm học phí cho sinh viên và tăng độ linh hoạt về thời gian cho họ. Dĩ nhiên, đây không phải "chìa khóa vạn năng" cho tất cả sinh viên. Một số vẫn cần các khóa học trực tiếp để tương tác với mọi người và học cách làm việc nhóm.

Cheryl cho biết vấn đề lớn nhất hiện tại là thay đổi văn hóa giáo dục. Từ nhiều năm nay, các trường đại học vẫn đo thành công bằng cách tính bao nhiêu sinh viên vào trường mà chẳng quan tâm liệu họ có đang đào tạo đúng kỹ năng và kiến thức cần thiết cho thị trường lao động hay không.

Đã đến lúc giáo dục bậc cao và nhà tuyển dụng cần làm việc với nhau để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt 11 triệu lao động có trình độ. Nếu thành công, trong thập kỷ tới, chúng ta sẽ không chỉ thu hẹp được sự khoảng trống trình độ, mà còn giảm được khoảng cách giàu nghèo cho cả nước Mỹ.

Hà Thu (theo Gates Notes)

Lượt xem: 1,498