You are here

Doanh nghiệp xuất khẩu xi măng dè chừng lẫn nhau

Doanh nghiệp xuất khẩu xi măng dè chừng lẫn nhau

Thực tế trên được đại diện Tổng công ty xi măng Việt Nam (Vicem) - ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng Quản lý thị trường và chính sách bán hàng chia sẻ tại hội thảo xuất khẩu xi măng theo hướng bền vững diễn ra ngày 23/4.

Từ một nước phải nhập khẩu, Việt Nam đã chuyển sang xuất khẩu từ năm 2010. Theo thống kê, năm 2014, số lượng tiêu thụ xi măng là 70,58 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước đạt 50,9 triệu tấn, xuất khẩu được 19,68 triệu tấn, tăng 30% so với 2013 và gấp 10 lần so với 4 năm trước đó. Hiện Việt Nam đứng thứ 5 trong số các nước sản xuất xi măng nhiều nhất thế giới.

Ông Quân cho biết các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước đã có bước đi dài sau một thời gian ngắn. Lượng xi măng xuất khẩu không chỉ giải quyết cung cầu trong nước mà còn đem lại cho ngành công nghệ, logistics, cảng biển, kho vận, tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động.

xi-mang-7028-1429788768.jpg

Có thời điểm khi giá thị trường khu vực tăng 4 USD một tấn, xi măng của Việt Nam chỉ tăng 1 USD.

Hiện trong số 106 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh có 5 đơn vị xuất khẩu chính gồm: Vissai, Phúc Sơn, Vicem, Hoàng Thạch và Cẩm Phả. Song, theo đại diện Vicem, thời gian qua hầu hết các đơn vị không mở rộng được thị trường, ngoài Bangladesh, Singapore, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, và thông qua 3 nhà nhập khẩu chính là Biroute, Holcim và HC Trading.

“Rõ ràng, thông số thị trường của các đơn vị đều giao thoa với nhau, nhà nhập khẩu không của riêng một đơn vị nào, nếu không chia sẻ thông tin hoặc kết hợp với nhau thành nhóm thì chắc chắn sẽ bị lợi dụng để các đối tác cạnh tranh làm giá”, ông Quân băn khoăn.

Dẫn chứng thêm, vị này cho biết có thời điểm khi giá thị trường khu vực tăng 4 USD một tấn, sản phẩm của Việt Nam chỉ tăng 1 USD. Ngược lại khi giá thế giới giảm chỉ 0,5 USD, giá của các doanh nghiệp nội xuống thậm chí tới 2 USD. "Ngay bản thân đối tác đã từng nói rằng các nhà xuất khẩu xi măng của Việt Nam đang tự hại nhau chứ họ hoàn toàn không có ý làm giá", ông tiết lộ. 

Trong nhiều khó khăn mà ngành gặp phải hiện nay như nguồn lực tài chính, chất lượng, kinh nghiệm quốc tế... thì chi phí vận tải đang là điều nhức nhối, khiến giá thành xuất cảng tăng lên.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các nhà máy thường đặt gần mỏ nguyên liệu nên phần lớn đều xa cảng biển, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông bến bãi trong nước còn nhiều hạn chế, đặc biệt chưa có cảng chuyên dụng để tiếp nhận tàu tải trọng lớn của nước ngoài khiến việc xuất hàng từ các doanh nghiệp luôn bị động.

Cơ quan này dự báo, thời gian tới, mức độ cạnh tranh giữa Việt Nam và đối thủ Trung Quốc và Thái Lan sẽ gia tăng khi sản lượng xuất khẩu của hai nước này có thể cao hơn.

Do vậy, Cục xuất nhập khẩu lưu ý tiêu thụ xi măng cần hài hòa giữa nội địa và xuất khẩu. Ngoài việc tiết giảm chi phí sản xuất, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua sử dụng dịch vụ vận chuyển chuyên nghiệp cũng như giám sát chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chí khắt khe của đối tác nước ngoài cũng như nội địa.

Việc liên kết giữa nhà sản xuất, theo Bộ Công Thương, là cần thiết bởi điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp cung cấp kịp thời số lượng hàng hóa theo yêu cầu mà còn tìm được các đối tác uy tín, tiến tới ký các hợp đồng dài hạn nhằm hạn chế những rủi ro không đáng có.

Thành Tâm

Lượt xem: 1,347