You are here

Kinh tế ổn định ở mức thấp so với tiềm năng

Kinh tế ổn định ở mức thấp so với tiềm năng

Với 2 nội dung lớn là đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô 2014-2015 và các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân năm nay diễn ra trong 2 ngày 21-22/4 tại Nghệ An. Đây là sự kiện do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức thường niên vào mùa xuân và mùa thu.

Ngay trong tham luận đề dẫn cho phần đánh giá kinh tế chung của Diễn đàn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng mức tăng trưởng 5,98% của năm 2014 đã cao hơn hẳn 2013, song mức phục hồi còn thấp (dưới 6%) và chưa thực sự bền vững. Con số này cũng lùi khá xa so với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 1990-2010.

gdp-0-3565-1429591844.jpg

Tăng trưởng quý I/2015 chủ yếu đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng. Ảnh: Quý Đoàn

Đánh giá cao kết quả ổn định kinh tế vĩ mô, song chuyên gia này cũng cho rằng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khi đàm phán và ký kết một loạt hiệp định hội nhập "ở đẳng cấp cao", trong khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu, trình độ quản trị quốc gia không cao, năng suất - trình độ lao động thua kém nhiều nước trong khu vực và thế giới. "Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa bền vững, có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng thấp".

Riêng về thị trường tiền tệ, ông Trần Đình Thiên cho rằng sự ổn định chỉ là biểu hiện bên ngoài, còn ẩn sâu trong tổ chức quản trị, giám sát còn nhiều điểm yếu. Rõ ràng nhất là xu hướng gia tăng nợ xấu, xử lý nợ mang tính cơ học, phi thị trường. Trong khi đó, câu chuyện tài khóa vẫn kém bền vững, chịu ảnh hưởng khi giá dầu biến động...

Bước sang những tháng đầu năm 2015, một báo cáo khác của Tiến sĩ Lê Đình Ân - nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo KT-XH quốc gia cho rằng GDP tiếp tục tăng cao nhờ đột biến trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng. Tuy nhiên, các lĩnh vực khác đang gặp khó khăn, tổng cầu tăng chậm, xuất khẩu tăng chậm nhiều so với kế hoạch, trong khi nhập khẩu tăng cao. Đáng lưu ý là nhiều khó khăn cơ bản của nền kinh tế chưa được xử lý dứt điểm như nợ xấu, nợ công, tái cấu trúc...

Đánh giá chung về tình hình hiện nay, tham luận của tiến sĩ Lê Việt Đức gây chú ý khi đánh giá nền kinh tế "ổn định về lượng, trì trệ về chất và chưa rõ tương lai". Chuyên gia này cho rằng nền kinh tế đang tăng trưởng ổn định ở mức thấp so với tiềm năng, trong khi chất lượng lại tiếp tục trì trệ; tỷ lệ đầu tư được giữ ở mức hợp lý nhưng hiệu quả chậm được cải thiện, cân đối ngân sách được duy trì hợp lý song nợ tiếp tục tăng, gây nguy cơ bất ổn...

Trong khuôn khổ diễn đàn, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng thống kê, sau khi tốc độ tăng trưởng quý I/2015 được công bố đạt 6,03%, gây bất ngờ cho giới khoa học cũng như chính các thành viên Chính phủ. Có ý kiến cho rằng những thống kê hiện nay của Việt Nam giống về tên gọi so với thế giới, song lại khác về bản chất. Từ đó, không ít người tiếp tục đề xuất việc tách Tổng cục Thống kê khỏi bộ máy điều hành, trở thành một cơ quan độc lập hoặc trực thuộc Quốc hội.

Ở phần 2 của diễn đàn, bám sát nhiệm vụ được Ủy ban Kinh tế đặt ra cho nội dung này là "biến lời nói thành hành động", câu chuyện về môi trường kinh doanh tại Việt Nam được các chuyên gia đề cập sôi nổi với 17 tham luận.

Trong 6 năm gần đây, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh, Việt Nam đều giữ hạng từ 60 đến 75, tức là ở nửa sau của chuỗi giá trị toàn cầu, với những điểm nghẽn hầu như không được cải thiện về thể chế, minh bạch, cơ sở hạ tầng hay chất lượng lao động. Trong khi ở cấp độ quốc gia, thời gian làm thủ tục hành chính, thuế - hải quan... là rào cản đối với doanh nghiệp, thì theo Xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được công bố, ngoại trừ Đà Nẵng ổn đỉnh với phong độ cao, TP HCM có nhiều cố gắng vươn lên trong Top 10, hầu hết các "đầu tàu" kinh tế khác còn khá trễ nải trong việc cải thiện sức hấp dẫn đầu tư.

Những thách thức nêu trên đặt trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới, cần những động lực mới từ khối tư nhân cũng như đầu tư nước ngoài, khiến yêu cầu cải thiện thực chất môi trường kinh doanh càng trở nên bức thiết.

Trong các tham luận gửi tới diễn đàn, các chuyên gia kinh tế kỳ cựu như Lê Đăng Doanh, Nguyễn Đình Cung, Trần Du Lịch... đều tập trung vào câu chuyện cải cách thể chế, hoàn thiện khung pháp lý, chống tham nhũng, chuyển đổi dứt khoát sang kinh tế thị trường, nhận thức lại vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước... Tuy nhiên, các giải pháp được đưa ra trong văn bản tham luận vẫn còn khá chung chung, khiến dư luận chờ đợi nhiều hơn vào phần trao đổi, được đánh giá là luôn thẳng thắn tại diễn đàn.

Nhật Minh

Lượt xem: 1,470