You are here
CNBC: Đồng euro là cuộc hôn nhân thất bại
CNBC: Đồng euro là cuộc hôn nhân thất bại
Làm thế nào để biết một cuộc hôn nhân thất bại hay không? Đó là khi một trong hai, hoặc cả đôi bên đều muốn thoát ra càng sớm càng tốt ngay khi có một xích mích rất nhỏ. Theo CNBC, chuyện tương tự cũng đang xảy ra tại châu Âu, khi người ta nhận ra nguyên nhân thực sự khiến nhiều người đầu tư vào đồng euro là họ chẳng còn lựa chọn nào khác.
Khi Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB) bỏ trần tỷ giá đồng franc nước này với euro, làn sóng tháo chạy khỏi euro còn nhanh hơn tàu cao tốc Pháp. Euro đã mất giá 17% so với franc Thụy Sĩ tuần trước.
Trụ sở của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt (Đức). Ảnh: Bloomberg |
Chẳng ai ngạc nhiên khi đồng euro - cũng như ý tưởng thành lập Liên minh châu Âu (EU) đã được coi là một cuộc hôn nhân thất bại ngay từ đầu. Vì mỗi lần thị trường biến động, phản ứng của người châu Âu đều cho thấy họ rõ ràng muốn thoát ra.
Nhưng vấn đề là họ cũng chẳng được tự do ra đi. Năm 2008, người Ireland bị ép bỏ phiếu lại sau khi bác bỏ một hiệp ước quan trọng của EU. Dĩ nhiên, sau đó họ đã thông qua, nhưng lý do chủ yếu là họ nhận ra mình chẳng có lựa chọn nào khác.
Còn người Anh cũng đang ngày càng có xu hướng ủng hộ đảng phản đối EU - UKIP. Lãnh đạo UKIP đã công khai đòi hỏi tự do chính trị thực sự cho nước Anh và toàn bộ các nước châu Âu. Họ cũng yêu cầu những quyền như "mỗi người một quyền bỏ phiếu" và các nước được tự quản lý luật nhập cư.
Những ý tưởng này đều là sự đe dọa với quan chức EU. Họ biết rằng nếu để cho những nước như Anh, Ireland hay Đan Mạch đòi hỏi quyền độc lập, các quốc gia này sẽ rời đi rất nhanh chóng.
Sư tuyệt vọng khi duy trì cuộc hôn nhân thất bại này được biểu hiện bằng rất nhiều hình thức. Một trong số đó là sự hiểu ngầm Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) - Mario Draghi sẽ tung kích thích trong thời gian tới. Hay thường xuyên hơn là chỉ trích động thái của UKIP và những người đòi tự chủ khác là phân biệt chủng tộc.
Quyết định cuối tuần trước của Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ ít nhất đã được coi là một chiến thắng với UKIP và những người cho rằng lý do duy nhất EU vẫn chưa tan rã là bởi các lãnh đạo phản đối dân chủ không muốn cho ai rời đi. Vì vậy, CNBC cho rằng người dân các nước trong EU nên được cho phép bỏ phiếu về quyền thành viên một lần nữa. Nhưng lần này, kết quả đầu tiên nên được chấp nhận và các quốc gia muốn rời đi sẽ không bị trừng phạt. Khi ấy, làn sóng tháo chạy khỏi đồng euro hiện tại sẽ chẳng là gì.
Hà Thu