You are here

Những siêu thị, trung tâm thương mại thay tên, đổi chủ

Những siêu thị, trung tâm thương mại thay tên, đổi chủ

Là một quốc gia có dân số trẻ và mô hình mua sắm hiện đại chỉ chiếm 20% trong các kênh phân phối (thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc...), Việt Nam luôn được đánh giá là thị trường tiềm năng lớn trong lĩnh vực bán lẻ. Do đó, từ năm 2013 đến nay, lĩnh vực này đã chứng kiến nhiều thường vụ mua bán - sáp nhập (M&A) cũng như sự lấn sân của các đại gia lớn.

Trao đổi với VnExpress, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, sự gia tăng hoạt động M&A là xu hướng tất yếu khi thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, những doanh nghiệp không thành công có thể bị thâu tóm bởi những ông lớn khác trong ngành. Dưới đây là 5 thương vụ thay tên, tái cấu trúc nổi bật trong lĩnh vực này thời gian qua.

1. Ocean Mart bán cho Vingroup, đổi tên thành VinMart

ocean-mart-JPG-1642-1412702606.jpg

Thương hiệu Ocean Mart sắp biến mất và thay thế bằng VinMart.

Gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam từ tháng 9/2011, Ocean Mart - chuỗi siêu thị thuộc quản lý của Công ty Bán lẻ và Quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) - trực thuộc tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) là một trong những đơn vị chăm chỉ phát triển mạng lưới khi 3 năm đã mở 13 siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Song hành với đó, mảng bán lẻ cũng đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của Ocean Group. Năm 2013, doanh thu của Ocean Retail đạt hơn 1.120 tỷ đồng, tăng 20 lần so với năm 2012 và đứng thứ hai trong các mảng kinh doanh của tập đoàn, chỉ sau ngân hàng. Tuy nhiên, do chi phí mở rộng lớn, lợi nhuận trong năm của công ty chỉ còn 9,15 tỷ đồng, giảm 80% so với năm trước, thấp nhất so với bất động sản, chứng khoán, ngân hàng.

Trước bối cảnh này, Ocean Group quyết định tái cơ cấu và rút khỏi mảng bán lẻ để tập trung nguồn lực cho tài chính và bất động sản. “Thị trường Việt Nam còn nhiều room cho tất cả các ngành kể cả bán lẻ, khách sạn hay ngân hàng phát triển. Nhưng thời gian là vấn đề quan trọng, chúng tôi phải quyết định dứt khoát để tái cơ cấu, thu hẹp lĩnh vực kinh doanh, bây giờ đi bằng quá nhiều chân sẽ không làm nổi”, ông Dương Trọng Nghĩa - Tổng giám đốc Ocean Group chia sẻ với VnExpress ít ngày sau khi chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Ocean Retail cho đối tác khác.

Theo đó, 70% cổ phần của nhà bán lẻ này sẽ được bán cho Tập đoàn Vingroup, một đơn vị cũng đang có tham vọng lớn trong lĩnh vực tiêu dùng. Không tiết lộ giá trị thương vụ, song theo ông Dương Trọng Nghĩa, vụ chuyển nhượng có lợi cho cả hai bên vì Ocean Group có lãi, trong khi Vingroup có bàn đạp để thực hiện nhanh hơn kỳ vọng của họ ở thị trường bán lẻ.

Phía chủ mới cho hay, sau khi vụ chuyển nhượng hoàn tất, Ocean Retail sẽ đổi tên thành Công ty Siêu thị VinMart, đồng nghĩa với thương hiệu OceanMart sẽ được cải tiến, nâng cấp thành hệ thống VinMart. Dự kiến đến năm 2017, VinMart sẽ có khoảng 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trên cả nước.

Trước đó, Vingroup đã tấn công thị trường bán lẻ từ năm 2013 với chuỗi trung tâm mua sắm dành cho trẻ em và hiện cũng có công ty chuyên về mảng này là Vincom Retail. Ngoài ra, tập đoàn này cũng góp vốn thành lập công ty chuyên kinh doanh thương mại điện tử VinE-Com và VinFashion hoạt động trong lĩnh vực thời trang...

2. Đối tác Nhật rút vốn, Family Mart đổi tên B’s mart

bsmart-8301-1412702606.jpg

Sau khi đối tác Nhật Bản rút khỏi liên doanh, FamilyMart đổi tệ thành B's mart.

Năm 2009, FamilyMart đặt chân vào Việt Nam khi mở cửa hàng đầu tiên dưới sự quản lý trực tiếp của công ty Nhật Bản. Tuy nhiên, những ràng buộc ngặt nghèo đối với doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn ngoại đã khiến đơn vị này khó phát triển. Do vậy, tháng 6/2011, FamilyMart Nhật Bản đã thành lập liên doanh Vina FamilyMart với vốn điều lệ ban đầu 4,2 triệu USD, trong đó doanh nghiệp này nắm 44% vốn, đối tác Itochu nắm 5% và Tập đoàn Phú Thái nắm 51%.

Với liên doanh này, việc mở rộng của FamilyMart trở nên dễ dàng hơn. Chỉ trong hai năm, FamilyMart đã có 42 cửa hàng và còn đặt tham vọng phát triển tới 300 cửa hàng vào năm 2015. Tuy nhiên, sau khi hoạt động kinh doanh lỗ khoảng 11,5 triệu USD từ 3 thị trường Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam vào năm 2012, giữa năm 2013, đối tác Nhật Bản đã rút khỏi liên doanh, nhường chỗ cho đối tác đến từ Thái Lan.

Trên thị trường, biển hiệu FamilyMart cũng được đổi thành B’s mart - thương hiệu bán lẻ lâu đời của Berli Jucker Plc (BJC) - công ty thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi. Tháng 9 vừa qua, BJC công bố kế hoạch chi thêm một tỷ baht (31,2 triệu USD) nhằm mục tiêu mở thêm 205 cửa hàng tiện tích mang thương hiệu B's mart trong 4 năm tới.

BJC là tập đoàn đầu tư phân phối, tiếp thị và sản xuất của Thái Lan với giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán khoảng 88 tỷ baht (khoảng 2,8 tỷ USD). Hoạt động kinh doanh của BJC được chia thành 5 lĩnh vực chính gồm bao bì, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật, bán lẻ và chuỗi cung ứng khác. Tại Việt Nam, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi cũng đã hiện diện với việc nắm cổ phần hãng giấy Cellox, công ty sản xuất đậu phụ Ichiban, khách sạn Melia tại Hà Nội...

3. Metro đổi chủ từ Âu sang Á

metro-jpeg-2144-1412702606.jpg

Metro đã thuộc về tỷ phú Thái Lan.

Sau 12 năm hiện diện tại Việt Nam với 19 trung tâm bán buôn, trong tháng 8/2014, Tập đoàn Metro (Đức) bất ngờ bán mảng kinh doanh tại Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan với giá 655 triệu euro. Trao đổi với Báo đầu tư Online, ông Philippe Bacac - Tổng giám đốc Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam đánh giá đây vẫn là thị trường bán lẻ tiềm năng, việc chuyển giao cho BJC sẽ giúp hoạt động bán buôn của siêu thị tiếp tục phát triển.

Hiện phía chủ mới của Metro vẫn chưa đưa ra thông điệp chính thức về hướng phát triển của siêu thị trong thời gian tới, trong đó bao gồm cả việc liệu có tiếp tục sử dụng thương hiệu Metro nữa hay không. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự bành trướng của đại gia Thái Lan phản ánh tham vọng thâu tóm thị trường bán lẻ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành vào năm 2015.

Bà Metinee Issarajinda - Trợ lý Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ nhà đầu tư của BJC cho biết sau khi mua lại Metro Việt Nam, công ty sẽ cử 10 chuyên gia sang Việt Nam nhằm giúp điều chỉnh cơ cấu mặt hàng.

Theo kế hoạch, thương vụ M&A giữa Metro Việt Nam và BJC sẽ được hoàn tất khoảng nửa đầu năm 2015. Trước đó, trong suốt thời gian hoạt động tại Việt Nam, đại siêu thị Metro Cash & Carry được cho là chưa từng nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào, dù doanh thu tại thị trường Việt Nam đã tăng từ 600 tỷ đồng năm 2002 lên 14.700 tỷ đồng năm 2013. Trước thông tin này, ngành thuế đang tiến hành thanh tra hoạt động của Metro.

4. Pico Mall, Mipec Mall đến Lotte Mart

lotte-mart-JPG-7466-1412702606.jpg

Sau 2 lần tái cơ cấu, Pico Mall nay đã biến mất và thay bằng hệ thống siêu thị Lotte Mart.

Khai trương vào đầu tháng 9/2011 trên mặt đường Tây Sơn (Hà Nội), nhưng chỉ sau hơn một năm hoạt động, nhiều gian hàng tại Pico Mall đã bị bỏ trống do tình hình buôn bán ảm đạm. Điều này đã khiến trung tâm thương mại phải tái cơ cấu, đổi tên hành Mipec Mall (tên của đơn vị chủ sở hữu tòa nhà) ngay tháng 10/2012.

Tuy vậy, tình hình hoạt động của Mipec Mall cũng không có nhiều dấu hiệu sáng sủa. Đến tháng 8/2013, một công ty tư vấn bất động sản cho biết nhà bán lẻ Hàn Quốc Lotte Mart đã chính thức thuê lại toàn bộ 4 mặt sàn của Mipec Mall, diện tích 20.000 m2 để mở siêu thị. Đến tháng 3/2014, sau một thời gian cải tạo, khu mua sắm này đã đi vào hoạt động với tên gọi Lotte Mart, đánh dấu chiến dịch mở rộng lên 60 siêu thị, trung tâm thương mại của Lotte tại thị trường Việt Nam đến 2020.

Trước đó, ông lớn này đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2008 với 6 các trung tâm thương mại  tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Đà Nẵng.

5. Tràng Tiền Plaza trở thành khu mua sắm hàng hiệu

trang-tien-8690-1412702607.jpg

Tràng Tiền Plaza tạm đóng cửa để quy hoạch lại mặt bằng.

Với lịch sử gần 60 năm lại nằm ngay trung tâm Hà Nội, Tràng Tiền Plaza được biết đến là một trong những địa điểm mua sắm đắt giá nhất thủ đô. Tuy nhiên, việc kinh doanh không hiệu quả đã khiến nơi đây phải tái cơ cấu nhiều lần, và thật sự "thay da đổi thịt" vào năm 2012 khi có sự tham gia của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) do doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch.

Theo đó, tập đoàn này đã đầu tư khoảng 400 tỷ đồng và mời nhà đầu tư quốc tế góp 3000 tỷ đồng để nâng cấp, mục đích biến Tràng Tiền Plaza thành trung tâm mua sắm hàng hiệu, ngang tầm với khu vực và thế giới. Sau thời gian dài cải tạo, đầu tháng 4/2013, Tràng Tiền Plaza được mở cửa trở lại với "chiếc áo mới".

Tuy nhiên, chỉ hơn một năm hoạt động, khu mua sắm sang trọng này lại rơi vào tình trạng báo động khi lượng khách thưa thớt, khiến ông chủ mới lại phải tiếp tục đóng cửa để bố trí quy hoạch (thời gian từ 4/8 đến tháng 11/2014).

Theo ông Jonathan Hạnh Nguyễn, đợt tái cơ cấu này sẽ giúp Tràng Tiền Plaza hiện đại hơn, mở rộng nhiều phân khúc kinh doanh để phù hợp với xu thế tiêu dùng của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng.

Huyền Thư

Lượt xem: 2,084