Bạn đang ở đây
Ký túc xá nghìn tỉ bỏ hoang sắp thành nhà ở xã hội
Ký túc xá nghìn tỉ bỏ hoang sắp thành nhà ở xã hội
Được khởi công từ tháng 9.2009, dự án khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng làm chủ đầu tư.
Với quy mô 6 tòa nhà, mỗi tòa 19 tầng, mục tiêu đáp ứng chỗ ở cho khoảng 22.000 học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.
Được kỳ vọng là khu ký túc xá hiện đại bậc nhất Thủ đô, dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên, được xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với diện tích hơn 40.000m2, nằm trong khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp.
Dự án khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp được khởi công từ tháng 9.2009. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Tuy nhiên, sau 14 năm khởi công xây dựng mới chỉ có ba tòa nhà A1, A5 và A6 hoàn thành; hiện tòa nhà A4 chưa được thi công do thiếu mặt bằng, tòa nhà A2, A3 chỉ mới được xây xong phần thô.
Trước sự lãng phí lớn, trong kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, UBND TP Hà Nội dự kiến sẽ dành hơn 220 tỉ đồng để hoàn thành, điều chỉnh các hạng mục nhà A2, A3, A4 thành nhà ở xã hội cho thuê.
Đa phần các tòa nhà chỉ mới được xây xong phần thô, nhiều hạng mục đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Theo ghi nhận của Lao Động ngày 5.3, tại dự án khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp, đa phần các tòa nhà chỉ mới được xây xong phần thô, nhiều hạng mục đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, tường rêu mốc, lan can hoen gỉ.
Bao quanh dự án được che chắn bằng lớp tường tôn, cây cối mọc um tùm và ngập ngụa rác thải.
Tại những khu đất trống của dự án, người dân ngang nhiên dựng lều lán để ở, kinh doanh, trông xe khiến cho khu vực này trở nên nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, sinh viên từng ở trong khu kí túc xá chia sẻ. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (21 tuổi, Hoàng Liệt, Hoàng Mai) sinh viên từng ở trong khu kí túc xá cho biết, giá phòng kí túc xá rẻ nhưng việc đi lại khá khó khăn.
"Phòng kí túc giá vừa rẻ vừa khang trang, đầy đủ tiện nghi so với những phòng trọ bên ngoài với cùng tầm giá.
Tuy nhiên, việc di chuyển của tôi khá khó khăn khi chỉ có 2 - 3 tuyến xe buýt chạy qua đây. Đồng thời, với việc kí tục nằm xa trung tâm khiến việc đi học tại trường và làm thêm mất khá nhiều thời gian của tôi", chị Tú nói.
Lần gần nhất tòa nhà A1 đón sinh viên tới thuê là khóa học 2019-2020. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Một người dân khác cho biết, thủ tục đăng ký thuê phòng tại đây khá đơn giản, khi sinh viên chỉ cần giấy tờ chứng minh là học viên, sinh viên và đơn xin thuê phòng cùng tiền đặt cọc ban đầu là có thể vào ở.
Giá thuê phòng cũng chỉ 205.000 đồng/tháng/người, các loại phí dịch vụ đi kèm như gửi xe dao động từ 40.000 - 60.000 đồng/xe. Tuy nhiên, hiện số lượng sinh viên thuê phòng tại đây đang còn rất ít.
Những tòa nhà KTX cho sinh viên đã xây xong phần thô nằm trơ khung nhiều năm nay. Ảnh: Vĩnh Hoàng Quanh dự án cây cối mọc um tùm và ngập ngụa rác thải. Ảnh: Vĩnh Hoàng Cách đây hai năm, toà nhà A1 từng được sử dụng để làm khu cách ly COVID-19. Sau khi hết dịch, tòa nhà trở về trạng thái không có người. Ảnh: Vĩnh Hoàng Bên ngoài dự án ngập ngụa rác thải. Ảnh: Vĩnh Hoàng Nhiều hạng mục của dự án xuống cấp nghiệm trọng. Ảnh: Vĩnh Hoàng Tại những khu đất trống của dự án tồn tại nhiều lều lán được dựng lên để kinh doanh, bãi xe, gara ôtô, quán ăn... khiến cho khu vực này trở nên lộn xộn, nhếch nhác. Ảnh: Vĩnh Hoàng Người dân tận dụng những ô đất bị bỏ hoang để trồng rau. Ảnh: Vĩnh Hoàng