Bạn đang ở đây

Thiếu cơ sở dữ liệu, khó đánh thuế bất động sản

Thiếu cơ sở dữ liệu, khó đánh thuế bất động sản

Thiếu cơ sở dữ liệu, khó đánh thuế bất động sảnNhiều khu đô thị được xây dựng xong nhưng bỏ hoang rất lãng phí. Ảnh Hải Nguyễn.

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội là xây dựng Luật thuế BĐS chung, thay thế cho Luật sử dụng đất nông nghiệp và Luật sử dụng đất phi nông nghiệp.

Bộ Tư pháp đã đề xuất nghiên cứu để bổ sung quy định đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng BĐS theo thời gian nắm giữ nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, bong bóng BĐS.

Theo đó, Luật thuế BĐS có thể được xây dựng theo hướng áp biểu thuế luỹ tiến và tách riêng đất, nhà ở để đánh thuế. Điều này nhằm đơn giản và thuận lợi hơn trong việc thu thuế, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việc đánh thuế theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần sẽ đảm bảo mục tiêu điều tiết cao với nhà, đất có giá trị lớn, công bằng hơn với người có giá trị nhà đất thấp.

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thuế BĐS là công cụ điều chỉnh rất tốt để ngăn chặn đầu cơ, hạn chế sốt đất cho thị trường nhưng tại Việt Nam, do thu nhập của phần lớn người lao động quá thấp, không có chi phí cho nhà ở nên thuế BĐS từ trước đến nay rất thấp, không đáng kể, điều này vô hình trung tạo điều kiện cho một bộ phận đầu cơ đất đai.

“Tôi cho rằng, lướt sóng là hành vi không nên có trong thị trường BĐS. Đất đai hay nhà ở phải được đưa vào sử dụng để tạo ra giá trị gia tăng chứ không thể mua rồi bán ngay và hưởng khoản tiền chênh lệch lớn. Đó là hành vi không tốt cho thị trường, khiến giá BĐS bị tăng ảo, gây hại cho nền kinh tế”, ông Đặng Hùng Võ nhận định.

  Đánh thuế tài sản BĐS là cần thiết nhưng phải nghiên cứu và có lộ trình. Ảnh Cao Nguyên.

Tuy nhiên, theo ông Võ, việc đánh thuế BĐS đã rất nhiều lần được đề xuất nhưng trên thực tế rất khó khả thi. Bởi yêu cầu xây dựng hệ thống thông tin cho thị trường BĐS đến nay vẫn chậm trễ thực hiện.

Không có cơ sở dữ liệu, không có sự công khai thông tin các giao dịch mua bán, nhiều người chuyển nhượng trao tay không qua kênh chính thức thì rất khó để đánh thuế.

“Trước khi đánh thuế, hệ thống quản lý đất đai, BĐS và quản lý thuế phải rõ ràng, minh bạch, kịp thời thông qua công nghệ số. Bên cạnh đó, cần quy định, mọi BĐS dù ai là chủ cũng phải giải trình được nguồn gốc tiền mua BĐS, nếu không giải trình được thì phải có biện pháp xử lý mạnh tay.

Trong đó phải xử lý trường hợp nhờ người khác đứng tên BĐS. Khi vẫn còn sự nhập nhèm, mập mờ thì việc đánh thuế vẫn rất khó khả thi”, vị chuyên gia đánh giá.

Ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc nghiên cứu & phát triển Tập đoàn DKRA - cũng cho rằng cần phải xây dựng lộ trình cụ thể về thời gian thực hiện đánh thuế tài sản với BĐS, có thể là trong thời gian 2 - 3 năm tới ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ...

Đặc biệt, vấn đề về cơ sở dữ liệu để quản lý đối tượng phải đóng thuế cũng cần được xây dựng một cách khoa học, từ đó mới xác định những người đó sở hữu BĐS thứ 2. Muốn làm việc này cần có sự đồng bộ về dữ liệu quản lý đất đai.

Lượt xem: 614