Bạn đang ở đây

Bỏ khung giá đất sẽ đưa bảng giá đất sát với thị trường

Bỏ khung giá đất sẽ đưa bảng giá đất sát với thị trường

Bỏ khung giá đất sẽ đưa bảng giá đất sát với thị trườngBãi bỏ khung giá đất - bước đột phá trong lĩnh vực đất đai. Ảnh minh họa: Cao Nguyên

Xóa bỏ sự tồn tại cơ chế 2 giá đất

Thị trường đất đai của Việt Nam hiện nay đang tồn tại cơ chế 2 giá đất. Một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hay tính giá đất đền bù giải tỏa dự án. Giá đất thứ hai được gọi là giá trên thị trường, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá.

Thực tế cho thấy sự chênh lệch rất lớn giữa 2 loại giá này đã gây ra nhiều hệ lụy khác nhau như khiếu kiện, tham nhũng…

Có thể nhận thấy rằng, quản lý giá đất thuộc loại quan trọng và phức tạp nhất. Việc xác định giá đất theo thị trường không hề dễ dàng chút nào. Nhiều người trong giới “buôn đất” chỉ chờ sơ hở trong quản lý, lộ ra khoảng cách giữa giá đất của Nhà nước và giá đất thị trường là tìm kẽ lách để kiếm tiền. Thực tế các bất cập trong quản lý đất đai hiện nay cũng sinh ra từ quản lý giá đất không đảm bảo tính phù hợp thị trường.

Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Trong đó, Ban soạn thảo đã bỏ quy định về khung giá đất, thay vào đó Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; ban hành bảng giá và quyết định giá đất cụ thể. 

Việc định giá đảm bảo nguyên tắc theo mục đích và thời hạn sử dụng, phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường; bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, khách quan của kết quả định giá giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định.

Theo dự thảo, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố vào ngày 1.1 của năm. Trong thời gian thực hiện, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp. Bảng giá quy định giá các loại đất theo vị trí.

Đối với khu vực đã có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thị trường thì xây dựng bảng giá theo vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn.

Chia sẻ với Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, khung giá đất hiện tại không có tác dụng đối với hoạt động quản lý, định giá đất ở địa phương.

Vị này lấy ví dụ như tại Hà Nội, TPHCM, có những vị trí đất đắt có thể lên tới 1 tỉ đồng/m2, nhưng trên khung giá đất quy định chỉ khoảng 250 triệu đồng/m2.

“Với khung giá đất thấp như vậy sẽ nảy sinh việc người dân bị thiệt thòi. Việc để xảy ra tình trạng chênh lệch giữa giá đất theo khung quy định của Nhà nước và giá đất thị trường là việc tối kỵ trong hoạt động quản lý giá đất.

Vì vậy, việc quản lý bằng khung giá đất không còn phù hợp, thay vào đó nên tập trung vào hoạt động quản lý trực tiếp việc định giá đất tại địa phương”, ông Thịnh nói.

Đưa bảng giá đất sát giá thị trường

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định rằng, việc bỏ khung giá đất thì bảng giá đất sẽ tiệm cận với giá đất cụ thể và góp phần tiến tới xóa bỏ cơ chế hai giá, giảm thất thoát, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Đây là chủ trương đúng đắn.

Còn theo ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc bỏ khung giá đất không ảnh hưởng nhiều tới thị trường mà chỉ ảnh hưởng tới nghĩa vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. Như vậy, các doanh nghiệp có thể yên tâm về các khoản thuế đất hàng năm.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, quy định của Dự thảo về việc bỏ khung giá đất là một thay đổi rất quan trọng giúp cho các địa phương có thể đưa bảng giá đất sát với giá thị trường. 

Tuy nhiên, phải có lộ trình để giảm thiểu các xung đột như tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tăng tiền thuê đất, thay đổi quá lớn trong giá bồi thường giải phóng mặt bằng.

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội đề xuất việc xác định giá đất cụ thể cần phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp.

Theo ông Tuyến, căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình cơ quan quản lý giá đất cùng cấp quyết định. Hội đồng thẩm định giá đất gồm người đứng đầu cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh làm Chủ tịch và đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất.

Lượt xem: 693