Bạn đang ở đây

Khởi nghiệp ở tuổi 50 với cây bồ công anh

Khởi nghiệp ở tuổi 50 với cây bồ công anh

Từ sản phẩm xa lạ với thị trường, trà và cà phê bồ công anh do ông Phương sản xuất đã có mặt tại nhiều tỉnh thành phía Nam, mang lại doanh thu 700-800 triệu đồng chỉ sau một năm hoạt động.

Năm 2015, mẹ ông có chuyến du lịch Ả Rập Xê Út, vô tình đến thăm một xưởng sản xuất trà bồ công anh. Bà vốn mắc bệnh hen suyễn nặng và có dấu hiệu chuyển sang ung thư, với triệu chứng viêm vòm họng. Sau khi được giới thiệu và dùng thử trà bồ công anh, căn bệnh suyễn của bà gần như không tái phát và vết viêm dần lành lặn. Quá ngạc nhiên trước diễn biến bệnh tình của mẹ, ông bắt đầu tìm hiểu về dược tính của cây bồ công anh và dần "mê" loại cây này.

Ông Đỗ Thanh Phương bên vùng nguyên liệu bồ công anh. Ảnh: NVCC.

Ông Đỗ Thanh Phương bên vùng nguyên liệu bồ công anh. Ảnh: NVCC.

Là loại cây thân thảo, bồ công anh mọc hoang tại các khu vực có khí hậu lạnh như Đà Lạt và các tỉnh, thành phía Bắc. Theo một số tài liệu, bồ công anh theo chân người Pháp vào Việt Nam từ cách đây hơn 100 năm và được sử dụng làm rau trong bữa ăn quân đội. Dược điển Việt Nam ghi nhận loại cây này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng nên người dân thường sử dụng để chữa các bệnh mụn nhọt, lở loét, viêm dạ dày - tá tràng, viêm gan... Một nghiên cứu của Đại học Windsor (Canada) cho thấy chất chiết xuất từ rễ cây có thể khiến các tế bào ung thư bạch huyết "tự chết". 

Lúc đó, thị trường cũng đã xuất hiện một số cơ sở kinh doanh bồ công anh, nhưng chủ yếu dạng rễ và lá khô, để khách mua về nấu uống. Nhìn thấy khoảng trống này, ông Phương quyết định khởi nghiệp lần nữa ở tuổi gần 50, để tạo ra những sản phẩm tiện dụng hơn, có thể sử dụng hàng ngày.

"Các bạn trẻ khởi nghiệp thường bắt đầu bằng con số 0, chạy theo đam mê với tâm lý không có gì để mất. Còn khởi nghiệp ở tuổi này, mình lại có kinh nghiệm hơn về quản lý, về xử lý rủi ro, nên khi bắt đầu, mình cũng không suy nghĩ nhiều lắm", ông Phương chia sẻ. 

Giữa năm 2016, ông Phương nhập hạt giống bồ công anh từ Ả Rập Xê Út về trồng thử nghiệm trên 3.000 m2 đất của gia đình ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Khác với tính toán, tỷ lệ cây chết rất nhiều, lên đến 60%. Không nản chí, ông tiếp tục đem giống trồng thử nghiệm tại nhiều vùng đất khác nhau tại Long An, Đồng Tháp.

Quá trình trồng thử cho thấy, loại bồ công anh giống nhập này thích hợp với vùng đất thịt, cao ráo và độ ẩm cao. Ông Phương quyết định tập trung phát triển vùng nguyên liệu tại Đồng Tháp, để giảm chi phí vận chuyển đến nhà máy. Nhưng cũng phải đến lần xuống giống thứ tư, việc canh tác mới tạm gọi là thành công. Cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Không muốn mất nhiều chi phí đầu tư cho mảng trồng trọt, ông chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân và ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Bằng cách này, trong thời gian ngắn, doanh nghiệp đã phát triển vùng nguyên liệu rộng 3 ha.

Song song đó, ông Phương gấp rút xây dựng nhà xưởng và điều chỉnh công thức sản xuất. Loại trà sản xuất theo công thức chuyển giao từ Ả Rập Xê Út không phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Việt Nam. Nhóm nghiên cứu phải liên tục thay đổi tỷ lệ giữa lá, hoa và rễ bồ công anh, đến khi đạt được khẩu vị và hàm lượng dược tính tốt nhất.

Nông dân đang thu hoạch bồ công anh, trước khi đưa về nhà máy chế biến. Ảnh: NVCC.

Nông dân đang thu hoạch bồ công anh, trước khi đưa về nhà máy chế biến. Ảnh: NVCC.

Đến cuối năm 2016, trà túi lọc bồ công anh ra đời, sau đó là cà phê bồ công anh, bột mặt nạ bồ công anh. Kết quả kiểm nghiệm của Eurofins - đơn vị chuyên kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm thực phẩm, môi trường và dược phẩm cho thấy bột bồ công anh của công ty ông giàu canxi, magie và cung cấp mức năng lượng cao cho người sử dụng. Sản phẩm lần lượt nhận được các giải thưởng của Viện chất lượng Việt Nam, và Bộ Công thương như Sản phẩm chất lượng cao, Thương hiệu độc quyền uy tín.

Xây dựng sản phẩm được công nhận chất lượng, nhưng cái khó nhất với các thương hiệu mới là hành trình đến với người tiêu dùng. Trên thị trường hiện đã tồn tại không ít các loại cây có tác dụng thanh nhiệt, giải độc như chùm ngây, cà gai leo, khổ qua, lá sen... Theo ông Phương, một số doanh nghiệp khác cung ứng sản phẩm từ các loại cây này, không đạt chất lượng như quảng cáo, dẫn đến tâm lý nghi ngờ của người tiêu dùng. Ông e ngại sản phẩm sẽ ảnh hưởng nếu đẩy mạnh quảng bá qua truyền thông xã hội.

Thay vào đó, công ty theo cách làm truyền thống là qua tận dụng các hội chợ, ngày hội bán hàng. Gần như không có hội chợ hàng tiêu dùng nào, doanh nghiệp không tham gia. Tại mỗi hội chợ, ông lại phát triển được một số đại lý. Nhờ đó, hiện doanh nghiệp phát triển hệ thống đại lý tại nhiều tỉnh, thành phía nam như Cần Thơ, Đồng Tháp, TP HCM, Bến Tre,... Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp xuất đi khoảng 50 thùng, tương đương 300 hộp sản phẩm.

Khởi nghiệp lại ở tuổi xế chiều, ông Phương phải tất bật ổn định sản xuất, tìm đầu ra. Nguồn thu từ bồ công anh cũng thấp hơn nhiều so với thu nhập từ việc kinh doanh trước đây. Tuy nhiên, ông cho biết chưa bao giờ hối tiếc với quyết định này. "Cái hay của việc khởi nghiệp nông nghiệp là mình thấy ý nghĩa việc mình làm mỗi ngày. Khi mời ai uống tách trà bồ công anh, mà được khen ngợi hoặc nhiều khi ngủ dậy, nhận được cuộc gọi đặt hàng, tôi phấn khởi lắm", ông Phương cho biết.

Lượt xem: 3,066